Đập phá nhà, lấn chiếm đất của hàng xóm do ranh giới không rõ ràng (?)

Sau thời gian đi vắng trở về, phát hiện nhà của mình bị hàng xóm tự ý đập phá, chiếm đất, nên tố cáo sự việc lên các cấp chính quyền và báo chí để can thiệp, xử lý. Tuy nhiên, vụ việc xem ra không đơn giản, và bên bị tố cáo đã khởi kiện để xác định chính xác ranh giới đất đai.

Bà Phương không bằng lòng với phần be bê tông mà ông Đức đổ lại sau khi cắt phá - Ảnh: QUANG HẢI

Bà Phương không bằng lòng với phần be bê tông mà ông Đức đổ lại sau khi cắt phá - Ảnh: QUANG HẢI

Tự ý đập phá nhà người khác

Phản ánh với Báo Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Phương (địa chỉ số 73 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị) cho biết: “Tháng 10/2023, sau thời gian vào TP. Hồ Chí Minh nuôi cháu khoảng một tháng trở về thì tôi tá hỏa phát hiện hộ ông Phan Văn Đức liền kề, số nhà 71 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị làm nhà đã lấn chiếm, đập phá nhà của mình”.

Cụ thể, bà Phương cho hay đã bị đập phá trần nhà 7,1 m x 0,3 m phần bê tông cốt thép (phần be bê tông - PV) làm ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà nên thủng tường. Trời mưa, nước chảy vào nhà và thấm tường. Phần móng nhà ông Đức làm chồng lên móng nhà bà. Ông Đức đập phá tường sau và mái nhà lợp tôn của nhà bà để xây tường. Phá toàn bộ hệ thống cấp thoát nước của nhà bà.

Ngày 20/12/2023, bà Phương viết đơn tố cáo vụ việc lên UBND Phường 3 và UBND thị xã Quảng Trị. “Sau đó đến ngày 29/12/2023, UBND Phường 3 có gọi tôi lên làm việc. Từ đó đến ngày 10/9/2024, tôi không nhận được sự trả lời của hai cơ quan nêu trên. Nên ngày 10/9/2024, tôi đã gửi đơn tố cáo tiếp lên UBND thị xã Quảng Trị và UBND Phường 3. Hai cơ quan trên đều trả lời chỉ có chức năng hòa giải, không giải quyết. Vậy tôi hỏi các cơ quan trên đã giải quyết theo đúng luật tố cáo hay chưa”, bà Phương trình bày.

Bà Phương cho biết thêm, ông Đức đã lấn chiếm 0,7 m đất của nhà bà. Sau phiên hòa giải đầu tiên, ông Đức đã đập tường xây lùi vào nhưng vẫn không trả lại đúng hiện trạng ban đầu, vẫn còn lấn chiếm khoảng 0,3 m. Phần be bê tông đổ lại cũng chỉ mang tính đối phó. “Việc tự ý đập phá nhà người khác là hành vi phá hoại tài sản công dân. Mặc dù khối phố và thanh tra địa chính phường đã đo đạc nhưng hiện giờ sau 10 tháng, ông Đức vẫn xây tường, móng, đổ trần trên phần đất nhà tôi”, bà Phương phản ánh.

“Gia đình tôi sống yên ổn trên mảnh đất này suốt gần 40 năm nay, không tranh chấp gì. Nay việc xảy ra làm ảnh hưởng, xáo trộn quá nhiều đến cuộc sống và công việc”, bà Phương nói và cung cấp các giấy tờ để chứng minh. Theo đó, mảnh đất này gia đình bà Phương xây nhà từ năm 1991, năm 2002 được cấp sổ đỏ với diện tích 88 m2 (ngang trước 4,75 m, sau 4,8 m), năm 2013 chuyển sang sổ hồng cũng với diện tích 88 m2 nhưng ngang trước còn 4,66 m và sau là 4,99 m. Sự thay đổi này theo bà Phương là do quá trình bắn tọa độ đo đạc đất đai.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, những gì bà Phương phản ánh về việc bị đập phá nhà là có. Đặc biệt vào những ngày mưa, ngôi nhà bà Phương đang ở xảy ra tình trạng thấm tường ở phía nhà ông Đức đang xây dựng, nước giọt vào nhà. Bà Lê Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch UBND Phường 3, thị xã Quảng Trị cũng thừa nhận điều này sau khi phường tiến hành kiểm tra nhà bà Phương vào thời điểm trời mưa lớn.

Làm việc với phóng viên, bà Hoàng Thị Duyên, công chức tư pháp - hộ tịch Phường 3, thị xã Quảng Trị thông tin: Việc đập phá tài sản xuất phát từ tranh chấp đất đai. Ông Đức cho rằng phần đất của mình nên những phần tài sản ở trên cũng là của ông, dẫn đến có hành vi đập phá. Theo quy định hiện tại, khi tiếp nhận vụ việc, tổ hòa giải Khu phố 3 tiến hành hòa giải và đã hòa giải thành.

Ông Đức khẳng định mình nóng vội trong việc đập phá tài sản của bà Phương nên đã nhận lỗi và hứa hoàn trả, khắc phục theo yêu cầu của bà Phương. “Ông Đức đã tiến hành khắc phục nhưng bà Phương cho rằng việc khắc phục chưa đáp ứng và chưa làm hài lòng nên tiếp tục ý kiến phản ánh. Đối với hành vi tự ý đập phá tài sản của người khác, theo quy định, ông Đức sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên hai hộ đang trong quá trình hòa giải và xử lý nên phường chưa có động thái”, bà Duyên cho biết.

Sai số trong đo đạc là nguyên nhân tranh chấp?

Bà Lê Thị Huyền Thương cho biết, phường chỉ dừng lại ở chức năng hòa giải vụ tranh chấp. UBND Phường 3 đã phát huy đúng chức năng hòa giải theo đúng quy định của pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo. Còn về nội dung tranh chấp đất đai, bà Thương cho hay, quá trình đo đạc ở cấp phường, ông Đức có cung cấp một kết quả đo đạc nhưng không có tính pháp lý nên phường không căn cứ kết quả đó để giải quyết. Phường chỉ căn cứ kết quả trên cơ sở các cơ quan chức năng và nhận định ông Đức đã lấn chiếm khoảng 0,2 m nên yêu cầu hai gia đình tự thương lượng với nhau.

Cũng theo bà Thương, khi tiến hành đo đạc thì nhà ông Đức lại bị hộ bên cạnh lấn sang 0,9 m. “Chứng tỏ có sai số trong đo đạc. Kết quả tại phiên hòa giải đó, tất cả các ngành chuyên môn nhận định do sai số trong đo đạc, cụ thể là đo đạc không đúng như hiện trạng ban đầu nên yêu cầu hai gia đình thương lượng”, bà Lê Thị Huyền Thương thông tin thêm.

Ngoài chức năng hòa giải, theo bà Thương, tại phiên hòa giải ngày 29/12/2023, UBND Phường 3 có hướng dẫn cho 2 hộ nếu không chấp nhận kết quả đó thì liên hệ các cơ quan chức năng cao hơn có thẩm quyền đo đạc. Sau phiên đó, ông Đức có đơn xin tiếp tục xây dựng nhưng phường không đồng ý.

Khởi kiện ra tòa án để xác định ranh giới

Về hướng giải quyết, bà Thương nói quan điểm của phường ngay từ đầu là vận động hai gia đình thương lượng trên cơ sở kết quả nhận định hộ ông Đức xây dựng lấn chiếm khoảng 0,2 m của bà Phương. Ông Đức phải hoàn trả đất lại cho bà Phương. Tuy nhiên, khi một trong hai gia đình gửi đơn lên tòa án thì UBND phường buộc phải chờ. “Nếu ông Đức xây lấn qua đất nhà bà Phương thì buộc phải đập công trình để trả lại hiện trạng. Vấn đề là hiện nay đang chờ kết quả”, bà Thương khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Hồng Sơn cho hay, theo quy định pháp luật, đối tượng tranh chấp quyền sử dụng đất mà đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của tòa án xử lý. “Phường tổ chức hòa giải nếu không giải quyết được thì thuộc thẩm quyền của tòa án, không thể qua con đường hành chính được”, ông Sơn nói.

Được biết, ngày 19/4/2024, Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Quảng Trị thông báo đến các đương sự về việc đã thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo đơn khởi kiện của ông Phan Văn Đức và bà Hoàng Thị Tuyến.

Theo đơn khởi kiện, vợ chồng ông Đức, bà Tuyến cho rằng thửa đất tại số 71 Trần Hưng Đạo mua từ năm 2010 và sử dụng ổn định không xảy ra tranh chấp. Đến năm 2023, vợ chồng ông Đức tháo dỡ nhà cũ và tiến hành xây dựng nhà đúng với ranh giới của thửa đất và đúng với giấy phép xây dựng đã được cấp.

Bà Nguyễn Thị Phương hộ liền kề cho rằng vợ chồng ông Đức đã xây dựng trên đất bà Phương một phần đất có hình tam giác nên xảy ra tranh chấp. Điều đó dẫn đến việc vợ chồng ông Đức không tiến hành xây dựng được. Vì thế, vợ chồng ông Đức khởi kiện yêu cầu TAND thị xã Quảng Trị giải quyết xác định ranh giới đất của mình với bà Phương để tiến hành xây nhà, sử dụng đất đúng với hiện trạng cũ, đúng với các thông tin trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu.

Đến ngày 18/9/2024, TAND thị xã Quảng Trị quyết định chuyển hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm số 02/2024/ TLST-DS ngày 19/5/2024 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa hộ ông Đức và bà Phương lên TAND tỉnh Quảng Trị xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Rõ ràng, việc tranh chấp kéo dài đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của các hộ gia đình. Tranh chấp đất đai cũng sẽ phát sinh hệ lụy ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, sớm giải quyết rốt ráo vụ tranh chấp để tránh những hệ lụy lâu dài.

Quang Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dap-pha-nha-lan-chiem-dat-cua-hang-xom-do-ranh-gioi-khong-ro-rang-189398.htm