Công tác hội đoàn: Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết của người Việt ở nước ngoài

Dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, các hội đoàn của người Việt ở nước ngoài giúp cộng đồng vượt qua khó khăn để phát triển ổn định, nhờ đó có thể thực hiện các nhiệm vụ khác.

Đoàn kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2022. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Đoàn kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2022. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Người Việt Nam luôn “đi để trở về.” Dù có sinh sống ở nơi nào trên thế giới nhưng từ sâu thẳm trái tim, kiều bào vẫn luôn hướng về cố hương, luôn khát khao trở về nguồn cội.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhân Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ Tư diễn ra ngày 22/8 tại Hà Nội.

Với tinh thần đó, bà con Việt kiều luôn giương cao ngọn cờ “đại đoàn kết dân tộc,” thông qua công tác hội đoàn để phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đóng góp cho sự phát triển của nước sở tại đồng thời hướng về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội đoàn: Mái nhà chung của người Việt xa xứ

Hòa mình trong không khí đầm ấm của hội nghị có sự tham gia của 400 đại biểu Việt kiều, bà Nguyễn Việt Triều, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu bày tỏ sự xúc động và tự hào.

Bà bảo rằng những năm qua Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đã góp phần nâng cao hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, khẳng định vai trò của họ trong việc xây dựng mái ấm gia đình, nuôi dạy các con trở thành công dân có ích cho đất nước sở tại và luôn hướng về cội nguồn.

Bà Triều cho biết Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đã thực sự phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh cộng đồng. Liên hiệp tích cực tham gia công tác từ thiện, quyên góp ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội; nhận nuôi các con trong chương trình “Mẹ đỡ đầu”; chung tay đóng góp xây dựng Công viên Cầu vồng ở đảo Trường Sa Lớn; ủng hộ bà con bị thiệt hại do cháy chợ ở Ba Lan…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Liên hiệp được thành lập trong bối cảnh ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’, khi mà việc tập hợp, quy tụ các chị em người Việt ở các nước là nhu cầu thực tế để phát triển phong trào phụ nữ. Các tổ chức hội phụ nữ ở các nước đều có mong muốn hội tụ trong một ngôi nhà chung để chia sẻ kinh nghiệm, cùng học tập lẫn nhau,” bà Triều nói.

Chia sẻ về công tác hội đoàn tại Czech, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Trung ương Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech cũng nêu ra nhiều điểm tích cực. Hội đã giúp kiều bào làm quen với lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội, pháp luật Czech; sẵn lòng chia ngọt, sẻ bùi với người dân trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Với những nỗ lực đó, Hội người Việt Nam đã góp phần làm cho Chính phủ Czech thừa nhận mình là một cộng đồng đem lại lợi ích cho đất nước trong hiện tại và trong cả tương lai.

Ông Nhiên khẳng định: “Đã là người Việt Nam thì cho dù có ở phương trời nào chăng nữa, chúng tôi vẫn luôn tự hào về đất nước và mong muốn bạn bè quốc tế hiểu biết nhiều hơn về quê hương Việt Nam thân yêu.”

Thúc đẩy hoạt động hội đoàn của kiều bào

Với những thành tựu đã đạt được, các hội đoàn của người Việt Nam tại nước ngoài được Nhà nước ghi nhận, khích lệ để tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác đại đoàn kết dân tộc, củng cố vị thế của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Nhân Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ Tư, đại diện các hội đoàn cũng đóng góp ý kiến để công tác Việt kiều ngày càng phát huy hiệu quả.

 Bà Lê Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Tổng hội người Việt tại Hàn Quốc trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bà Lê Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Tổng hội người Việt tại Hàn Quốc trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Lê Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Tổng hội người Việt tại Hàn Quốc kiến nghị các cơ quan trong nước tạo điều kiện để kiều bào ở nước ngoài cũng được tham gia vào các vị trí chủ chốt ở những hội đoàn trong nước, hoặc có sự kết nối nhiều hơn trong hoạt động của cả ở trong nước và ngoài nước, như: Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức và hội liên hiệp, hội hữu nghị...

Bà Phương cũng hy vọng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ mở rộng quy mô các chương trình thường niên cho kiều bào, để thêm nhiều kiều bào được tham dự các hoạt động ý nghĩa này.

“Rất nhiều kiều bào đã chia sẻ rằng, qua những dịp này, họ đã có cơ hội được trở về và thêm gắn bó với quê hương, thêm biết ơn những công lao và hy sinh của ông cha để chúng ta có được một đất nước hòa bình như bây giờ, và từ đó cảm nhận được tình yêu nước sâu sắc hơn bao giờ hết,” bà Phương chia sẻ.

Bà Phương cũng mong Nhà nước tạo điều kiện và quan tâm hơn đến cộng đồng trẻ em Việt-Hàn ở Hàn Quốc, để Tổng hội người Việt tại Hàn Quốc có thể tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa cho trẻ em và thanh thiếu niên đa văn hóa.

“Chúng tôi kỳ vọng thông qua những chương trình này, các trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Hàn Quốc và ở nước ngoài có thể thêm gắn kết với nhau, cùng chia sẻ tình yêu với quê hương Việt Nam, duy trì tiếng nói và tình yêu với văn hóa, lịch sử cha ông để lại và cùng nhau hướng về Tổ quốc, trở thành những công dân ưu tú trên toàn thế giới và mang lại niềm tự hào cho Tổ quốc Việt Nam,” bà Phương nói.

 Thanh niên kiều bào tìm hiểu về la bàn chuyên dụng trong Khoa Hàng hải những năm 1980, tại Học viện Hải quân. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Thanh niên kiều bào tìm hiểu về la bàn chuyên dụng trong Khoa Hàng hải những năm 1980, tại Học viện Hải quân. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng muốn thực hiện tốt được các mục tiêu thì điều kiện tiên quyết là phải có một cộng đồng đoàn kết, ổn định, có tổ chức tốt và định hướng rõ ràng. Một cộng đồng như vậy sẽ có sức sống cao, vượt qua mọi khó khăn để phát triển ổn định, nhờ đó có thể huy động được nguồn lực duy trì hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Ông Thuận nêu ra một số giải pháp cho hoạt động của hội đoàn, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường đoàn kết sâu rộng, thống nhất hoạt động dưới sự quản lý của Đại sứ quán, giúp duy trì được sự quản lý tổng thể sâu sát của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam; mặt khác, vẫn đáp ứng được nhu cầu đa dạng trong cộng đồng nhờ duy trì, phát triển được các đặc thù riêng của các đơn vị thành viên.

“Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán, sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ đã đề ra, phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại để tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, xây dựng phát triển cộng đồng vững mạnh, xứng đáng là một trong các thành viên tiêu biểu của đại gia đình Việt Nam,” ông Thuận nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cong-tac-hoi-doan-giuong-cao-ngon-co-dai-doan-ket-cua-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-post972029.vnp