Công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu

Từ năm 2010 -2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam đã có chỉ đạo trong cả nước về việc triển khai thực hiện 'Tháng Khuyến học', từ đó lan tỏa sâu rộng công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT) và xây dựng xã hội học tập (XHHT) trong các tầng lớp nhân dân. Nhân dịp đầu năm học 2023-2024, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh xung quanh vấn đề này.

Đại diện các cơ quan, đơn vị, nhà tài trợ trao học bổng "Cùng em vượt khó đến trường" cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Quang

Đại diện các cơ quan, đơn vị, nhà tài trợ trao học bổng "Cùng em vượt khó đến trường" cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên (PV): Thưa ông, "Tháng khuyến học" hàng năm được phát động và triển khai trong thời gian nào, ý nghĩa của nó là gì?

Ông Nguyễn Mạnh Trường: "Tháng khuyến học" được phát động và triển khai từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, nhằm mục đích nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng xã hội về công tác KHKT, xây dựng XHHT.

Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương về khuyến khích phát triển xã hội hóa giáo dục.

Đồng thời, để các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức Nhà nước, các đơn vị, trường học và nhân dân có nhận thức đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Phát huy trách nhiệm xã hội, tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục. Tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các học sinh diện chính sách, học sinh nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

PV: Ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác KHKT, xây dựng XHHT của tỉnh thời gian qua?

Ông Nguyễn Mạnh Trường: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về công tác KHKT, xây dựng XHHT, đặc biệt là Kết luận 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác KHKT, xây dựng XHHT", Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh công tác KHKT, xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030", công tác KHKT, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để làm tốt công tác KHKT, xây dựng XHHT, các cấp Hội Khuyến học đã tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã huy động được số quỹ trên 16 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 7/2023 là trên 100 tỷ đồng, bình quân trên 100 nghìn đồng/người. Hoạt động hỗ trợ giáo dục được đẩy mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã khen thưởng cho gần 32 nghìn lượt học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc, với số tiền trên 5,7 tỷ đồng; trao học bổng với trên 11,3 nghìn suất, tặng quà hơn 2,7 nghìn suất cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 6 tỷ đồng.

Nhằm động viên và hỗ trợ học sinh bước vào năm học mới 2023-2024, trong dịp hè vừa qua (từ tháng 7 đến tháng 9/2023), Hội Khuyến học các cấp, Ban khuyến học các đơn vị, dòng họ trên địa bàn tỉnh đã khen thưởng cho trên 50 nghìn lượt học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023, với số tiền trên 5,2 tỷ đồng; trao học bổng cho trên 900 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền gần 500 triệu đồng; tặng quà cho gần 2 nghìn lượt học sinh, với số tiền gần 400 triệu đồng.

Đặc biệt, thực hiện Đề án "Học bổng cùng em vượt khó đến trường", trong năm học 2022-2023, đã có 20 cơ quan, đơn vị làm đầu mối, vận động được 198 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 63 cá nhân, tặng học bổng cho 448 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 2,6 tỷ đồng.

Lũy kế cả 2 năm học (từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2023), đã có 1.081 lượt học sinh, được 32 cơ quan, đơn vị làm đầu mối, vận động 441 lượt tổ chức, 154 lượt cá nhân tặng học bổng, với số tiền trên 6,1 tỷ đồng.

Bước vào năm học 2023-2024, đến thời điểm ngày 15/9, đã có 25 tổ chức, cá nhân tặng học bổng cho 184 học sinh, mỗi suất học bổng từ 4,5-12 triệu đồng/học sinh/năm.

Trao học bổng cho các em học sinh nhân "Tháng khuyến học" tại Trường THPT Hoa Lư A. Ảnh: Mỹ Hạnh

Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình học tập cũng được chú trọng. Thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030" và Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021- 2030, UBND tỉnh đã ban hành văn bản, kế hoạch chỉ đạo thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Hội Khuyến học tỉnh đã hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ lưỡng về bộ tiêu chí, quy trình, thủ tục đăng ký, đánh giá, chấm điểm, xếp loại và công nhận các mô hình học tập. Kết quả năm 2022, có 205 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, chiếm 71%; có 1.518 dòng họ đạt dòng họ học tập, chiếm 63%; 1.403 cộng đồng đạt cộng đồng học tập, chiếm 86% và 547 đơn vị (thuộc cấp xã quản lý) đạt danh hiệu đơn vị học tập, chiếm 89%.

Thực hiện mô hình công dân học tập, năm 2022 có trên 85 nghìn công dân thuộc nhóm nông dân và lao động nông thôn đạt danh hiệu công dân học tập, chiếm 39%; có trên 81 nghìn công dân thuộc nhóm công nhân, lao động thủ công, lao động tự do đạt danh hiệu công dân học tập, chiếm 49%; có trên 58 nghìn công dân thuộc nhóm cán bộ quản lý, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đạt danh hiệu công dân học tập, chiếm 69,8%.

Năm 2023 đã có trên 247 nghìn gia đình đăng ký trở thành Gia đình học tập, đạt 85%; trên 1.800 dòng họ đăng ký trở thành Dòng họ học tập, đạt 74%; trên 1.600 cộng đồng đăng ký trở thành Cộng đồng học tập, đạt 97%; có 97 đơn vị đăng ký trở thành Đơn vị học tập, đạt 98% và có trên 335 nghìn công dân đăng ký trở thành Công dân học tập, đạt trên 51%.

Cuối năm 2023, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ đánh giá, xếp loại và công nhận các mô hình học tập.

PV: Theo ông, nhìn nhận lại những kết quả đạt được trong công tác KHKT, xây dựng XHHT của tỉnh Ninh Bình những năm gần đây, điều mà Hội khuyến học tỉnh đánh giá cao là gì?

Ông Nguyễn Mạnh Trường: Với những kết quả đạt được rất phấn khởi trong thời gian vừa qua, chúng tôi cho rằng, đó là sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tỉnh Ninh Bình với nhiều văn bản chỉ đạo về công tác KHKT, xây dựng XHHT, từ đó các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó là sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể với Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện công tác KHKT, xây dựng XHHT. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, từ đó làm chuyển biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, công tác KHKT, xây dựng XHHT không chỉ là một phong trào mà đã trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và nhân dân. Tổ chức Hội Khuyến học các cấp, các Ban khuyến học ngày càng được củng cố và phát triển, số hội viên ngày càng đông đảo.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ hội được quan tâm và tổ chức thường xuyên, từ đó Hội Khuyến học các cấp đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp và là nòng cốt trong công tác KHKT, xây dựng XHHT.

Theo đánh giá, công tác KHKT, xây dựng XHHT ở Ninh Bình có nhiều đổi mới và sáng tạo. Đề án xây dựng Gia đình học tập kiểu mẫu, Dòng họ học tập kiểu mẫu, Cộng đồng học tập kiểu mẫu, Đơn vị học tập kiểu mẫu và Đề án "Học bổng cùng em vượt khó đến trường", là những mô hình sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất trong công tác KHKT và xây dựng XHHT.

PV: Để công tác khuyến học nói chung ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, ông có kiến nghị, đề xuất gì nhằm nâng cao hơn nữa các hoạt động nhằm đạt hiệu quả bền vững?

Ông Nguyễn Mạnh Trường: Tôi cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác KHKT, xây dựng XHHT tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ đó, có sự tác động tích cực đến cấp ủy Đảng, chính quyền, bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết của công tác KHKT, xây dựng XHHT trong xu thế hội nhập. Tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến.

Cùng với đó, củng cố, xây dựng Ban khuyến học trong các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và các phòng, ban, ngành cấp huyện để làm nòng cốt và tham mưu cho cơ quan, đơn vị về công tác KHKT, xây dựng XHHT.

Đồng thời, Hội Khuyến học các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cùng đồng hành thực hiện công tác KHKT, xây dựng XHHT. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

HẠNH CHI (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cong-tac-khuyen-hoc-khuyen-tai-va-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap/d20230929082841696.htm