Công tác kiểm tra, giám sát góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2023), phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Thống - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng về truyền thống của ngành, những nhiệm vụ đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới.
Phóng viên: Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành, xin đồng chí cho biết về sự hình thành và phát triển của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Sóc Trăng từ sau ngày thành lập lại tỉnh đến nay?
Đồng chí Nguyễn Văn Thống:Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Từ ngày đầu thành lập đến năm 1948, mặc dù chưa thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách, nhưng công tác kiểm tra của Đảng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo các cấp ủy và các tổ chức đảng thực hiện.
Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng chính thức được thành lập, từng bước phát triển, ngày càng được kiện toàn, lớn mạnh. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng được thành lập theo Quyết nghị số 29/QN/TW, ngày 16/10/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Thận) ký; ngày đó trở thành ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng.
Đối với Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, khi tái lập tỉnh năm 1992, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy lâm thời có 6 đồng chí, do đồng chí Trần Việt Thắng, Tỉnh ủy viên làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (1992 - 1996), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Trần Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (1996 - 2001), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 8 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thế Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2001 - 2005), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thế Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (2005 - 2010), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thế Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2010 - 2015), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2015 - 2020), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, đồng chí Trần Văn Chuyện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm. Tháng 4/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Thống vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thay đồng chí Trần Văn Chuyện, được bầu bổ sung Phó Bí thư Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2020 - 2025), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Thống, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ nhiệm.
Phóng viên: Thưa đồng chí, để giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã chú trọng các hoạt động kiểm tra, giám sát như thế nào và những kết quả đạt được?
Đồng chí Nguyễn Văn Thống: Qua giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, ủy ban kiểm tra các cấp đã chú trọng việc kiểm tra, giám sát về nhận thức, năng lực lãnh đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời đơn thư tố cáo, khiếu nại, phục vụ yêu cầu nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, nhân sự cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; kiểm tra thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng…
Qua kiểm tra, giám sát, đã kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để nhân rộng, những vi phạm trong lãnh đạo, quản lý để kịp thời răn đe, xử lý, góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên; giải quyết được những vấn đề bức xúc, nổi cộm, củng cố tổ chức đảng ở những nơi yếu kém, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.927 tổ chức đảng, 1.480 đảng viên; giám sát 1.228 tổ chức, 1.680 đảng viên; cấp ủy các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm 3 tổ chức và 5 đảng viên; thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng với hình thức: khiển trách 3, cảnh cáo 2 tổ chức và 402 đảng viên, bằng các hình thức: khiển trách 256, cảnh cáo 90, cách chức 13, khai trừ 43 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 2 đảng viên, kết quả giải quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật. Đồng thời, ủy ban kiểm tra các cấp đã giám sát 738 tổ chức và 491 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 44 tổ chức đảng, 182 đảng viên; qua kiểm tra, kết luận có vi phạm 22 tổ chức đảng, phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức và 159 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 92 đảng viên. Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo tinh thần Quyết định số 56-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, ngày 3/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ủy ban kiểm tra cấp huyện đã tiến hành giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với các đối tượng cấp ủy cùng cấp quản lý, đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Phóng viên: Để triển khai chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, trong thời gian tới, ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Thống: Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ làm công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng; có bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh, khắc phục khó khăn, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, bộ máy nhà nước, bảo vệ đường lối, quan điểm, nguyên tắc, củng cố tổ chức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ làm công tác trong ngành Kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những kết quả đó là bước đầu, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhưng tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của tỉnh sẽ kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang lịch sử 75 năm ngành Kiểm tra của Đảng.
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong thời gian tới, ủy ban kiểm tra các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. Tích cực thực hiện chặt chẽ công tác phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nhất là các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, công khai kịp thời kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nhất là thông tin kết quả kiểm tra những vụ việc bức xúc, dư luận quan tâm, nhằm tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn, giáo dục, răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp, đảm bảo ngang tầm, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
CHÍ BẢO (Thực hiện)