Công tác phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước: Bước tiến mới trong khắc phục chồng chéo

Việc nâng cao công tác phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một bước tiến mới trong việc khắc phục tình trạng chồng chéo. Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Đăng Vinh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP - để làm rõ hơn về vấn đề này.

TS. Trần Đăng Vinh

TS. Trần Đăng Vinh

Xin ông chia sẻ sự giống và khác nhau giữa TTCP và KTNN?

Tôi cho rằng, cả TTCP và KTNN đều có những điểm giống và khác nhau. Thứ nhất, đều là công cụ giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống hành chính Nhà nước và quá trình thanh tra, kiểm toán đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật; Thứ hai, đều là thiết chế để bảo vệ chuẩn mực trong xã hội, nhằm giữ gìn trật tự, kỷ cương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và tạo lập sự công bằng xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; Thứ ba, cả hai đều có trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, từ đó có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, TTCP và KTNN cũng có nhiều điểm khác nhau: Thứ nhất,về địa vị pháp lý, TTCP và KTNN là 2 thiết chế thuộc 2 nhánh quyền lực khác nhau, TTCP thuộc Chính phủ, giám sát bên trong quyền hành pháp, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, giám sát từ ngoài vào đối với hành pháp. Với địa vị pháp lý này cho thấy, KTNN có tính độc lập cao hơn so với TTCP.

Thứ hai,về tổ chức, TTCP là một trong số các cơ quan thanh tra được tổ chức theo cấp hành chính (TTCP, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện) và theo ngành, lĩnh vực (Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, cục, Thanh tra sở, và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành), còn KTNN tổ chức thành một hệ thống tập trung, gồm KTNN chuyên ngành và khu vực.

Thứ ba,về chức năng, TTCP giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thứ tư,về mục đích hoạt động, thanh tra chủ yếu tập trung vào việc chấn chỉnh những bất cập trong quản lý nhà nước và phát hiện, phòng ngừa, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. KTNN chủ yếu đánh giá, xác nhận chính xác việc quản lý tài chính công, tài sản công phục vụ công tác giám sát, dự toán và quyết toán ngân sách, đảm bảo quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, tài sản và kinh phí của Nhà nước.

Thứ năm,về nội dung hoạt động, TTCP thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền. KTNN kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Thứ sáu,đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Trong khi đó, đối tượng kiểm toán là cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thưa ông, dù có những điểm khác nhau nêu trên nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Thứ nhất, các quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra, kiểm toán vẫn còn có sự giao thoa, do đó, việc chồng chéo trên thực tế là không thể tránh khỏi. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thứ hai,hoạt động thanh tra và KTNN có những điểm tương đồng về mục đích là phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; qua đó phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, do vậy đây cũng là nguyên nhân phát sinh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thứ ba,sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra (nhất là Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh) với KTNN về xử lý chồng chéo trong quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm toán chưa được thường xuyên do còn thiếu cơ chế phối hợp cụ thể hoặc có nhiều khó khăn trong phối hợp.

Thứ tư,kế hoạch kiểm toán khi đưa ra lấy ý kiến của cơ quan thanh tra thì chưa nêu chi tiết về đối tượng, nội dung, thời gian được kiểm toán mà chỉ ghi đầu mối Bộ, ngành, địa phương được kiểm toán, cơ quan thanh tra chưa có cơ sở để khắc phục được sự chồng chéo khi xây dựng kế hoạch thanh tra…

Từ thực tế trên, xin ông chia sẻ một số giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán?

Thứ nhất, cần phân định rõ hoạt động thanh tra, kiểm toán.

TTCP và KTNN tiếp tục phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của thanh tra, kiểm toán, theo hướng: những chức năng, nhiệm vụ giống nhau thì chỉ 1 cơ quan thực hiện.

Thứ hai,phân định hoạt động của thanh tra và kiểm toán trên các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực thường phát sinh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, như: tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng, cụ thể như sau:

- Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách còn KTNN kiểm toán báo cáo tài chính, ngân sách của các cơ quan, đơn vị.

- Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng còn KTNN tiến hành kiểm toán đối với việc quản lý, phân bổ, quyết toán nguồn vốn đầu tư xây dựng.

- Trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc chấp hành pháp luật và nghĩa vụ với Nhà nước của doanh nghiệp, còn KTNN thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp để xác định, đánh giá kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn của doanh nghiệp.

- Về hoạt động của tổ chức tài chính, ngân hàng, cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra đối với việc chấp hành pháp luật của tổ chức tài chính, ngân hàng, còn KTNN thực hiện việc kiểm toán đối với các báo cáo tài chính, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu của các tổ chức tài chính, ngân hàng, sở hữu chéo về vốn...

- Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, còn KTNN chỉ tiến hành kiểm toán việc thu tiền sử dụng đất và phân bổ, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất.

Thứ ba,cần hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa TTCP và KTNN; theo đó, cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh với KTNN chuyên ngành và khu vực, kể cả nội dung, cách thức phối hợp trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quan điểm về tránh chồng chéo, trùng lặp và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong việc phối hợp khắc phục chồng chéo trong hoạt động của 2 cơ quan TTCP và KTNN?

TTCP và KTNN đã có Quy chế phối hợp năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2021. Hằng năm, KTNN đều lấy ý kiến tham gia của TTCP về dự thảo kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. KTNN và TTCP đều tổ chức họp để rà soát, thống nhất xử lý chồng chéo giữa Kế hoạch kiểm toán của KTNN với Kế hoạch thanh tra của TTCP và Thanh tra một số Bộ, ngành.

Quá trình thực hiện kế hoạch, nếu xuất hiện chồng chéo thì các cục, vụ thuộc TTCP phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc KTNN để trao đổi, thống nhất với KTNN để xử lý chồng chéo. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng TTCP và Tổng KTNN để trao đổi, thống nhất xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trên thực tế, sự phối hợp giữa 2 cơ quan TTCP và KTNN được tiến hành chủ động, linh hoạt và mang lại kết quả tích cực, những năm gần đây tình trạng chồng chéo trong hoạt động giữa TTCP và KTNN đã được khắc phục.

Luật Thanh tra năm 2022 có một số quy định nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Tôi cho rằng đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thời gian tới, TTCP và KTNN cần quan tâm đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp và có biện pháp hoàn thiện Quy chế phối hợp theo các quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 để bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý phục vụ cho việc khắc phục, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán trên thực tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

NGUYỄN DUYÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cong-tac-phoi-hop-giua-thanh-tra-chinh-phu-va-kiem-toan-nha-nuoc-buoc-tien-moi-trong-khac-phuc-chong-cheo-34308.html