Công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam có những bước chuyển biến mạnh mẽ
Sáng 8-12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ)'.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhấn mạnh, PCTN là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đến nay, công tác PCTN, tiêu cực của Việt Nam đã có những bước chuyển biến, đột phá mạnh mẽ. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm-nhạy cảm” đã đượctập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực với tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.
Riêng trong năm 2023, theo Báo cáo số 564/BC-CP ngày 18-10-2023 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2023 thì công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có tổ chức như y tế, giáo dục, ngoại giao, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm định phương tiện giao thông, buôn lậu. Công tác PCTN, tiêu cực tại Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả tích cực về phương diện phát hiện và xử lý tham nhũng mà trong năm 2023 còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN, tiêu cực; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN và hợp tác quốc tế trong PCTN.
Ông Nguyễn Quốc Văn nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN. Do đó, hội thảo là dịp để các nhà khoa học và các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu quốc tế trao đổi và chia sẻ ý kiến, góp phần hoàn thiện, nâng cao và đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của các giải pháp PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.
Tại hội thảo, bà Carolyn Dubrovsky, Phó tham tán Chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, hội thảo lần này là cơ hội để Hoa Kỳ và Việt Nam mở rộng hợp tác trong lĩnh vực PCTN. Bà cũng đánh giá cao nỗ lực PCTN của Việt Nam trong những năm qua.
Về phần mình, ông Patrick Haverman, Phó đại diện Thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, tham nhũng là vấn nạn trên thế giới. Tình trạng tham nhũng xảy ra ở các nước với những mức độ khác nhau. Nhận định về công tác PCTN tại Việt Nam, ông Haverman cho biết, Việt Nam đã có nỗ lực đáng kể trong công tác này. Theo ông, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) vào năm 2009. Kể từ đó đến nay, các biện pháp PCTN đã được triển khai quyết liệt tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến công tác PCTN bao gồm: Những thuận lợi, khó khăn, thách thức; các vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; thúc đẩy lồng ghép giới trong công tác PCTN… cũng như các giải pháp PCTN.
Tin, ảnh: THÙY LINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.