Công tác quản lý an toàn, vệ sinh và lao động: Chồng chéo và phân tán
Sáng 1/10, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tổ chức 'Đối thoại định kỳ năm 2020' nhằm đánh giá những tiến triển đã đạt được sau đối thoại định kỳ 2019 của Hội đồng, đồng thời, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Nhiều quy định khó thực hiện
Tại buổi đối thoại đại diện các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp đã thẳng thắn cho rằng, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ đã được ban hành kịp thời và đầy đủ tuy nhiên vẫn còn chồng chéo, phân tán và chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành, nội dung ATVSLĐ được quy định tại Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ, Luật BHXH, Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hóa chất…gây khó khăn trong việc thực hiện triển khai.
Đáng chú ý theo các đại biểu, hiện nay khu vực không có quan hệ lao động để xảy ra TNLĐ nhiều nhất nhưng hiện nay chưa có quy định chi tiết về hỗ trợ đóng bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng nên khi xảy ra TNLĐ thì người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động khó khăn chưa có nguồn hỗ trợ. Đây chính là lý do khiến việc tuân thủ chính sách về an toàn, vệ sinh và lao động khu vực này khá thấp.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH các vụ TNLĐ khu vực không có hợp đồng lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, cơ khí, kinh doanh dịch vụ. Các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất là Hà Nội, Quảng Nam, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Phước... Điều đáng nói là mặc dù số vụ TNLĐ nghiêm trọng chiếm tỷ trọng lớn nhưng công tác điều tra TNLĐ và chất lượng báo cáo TNLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động còn bị xem nhẹ.
Bên cạnh đó theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động bắt buộc mỗi năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả NLĐ ít nhất một lần. Đối với những NLĐ làm việc trong môi trường độc hại thì phải được khám sức khỏe 6 tháng một lần. Tuy nhiên theo các đại biểu việc triển khai quy định này phần lớn làm cho có và chưa thực chất.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách về an toàn lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh (ATVSLĐ) được thành lập theo Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 10/6/2016, có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Qua 3 cuộc đối thoại định kỳ các năm 2017, 2018 và 2019 của Hội đồng quốc gia, nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể sau đối thoại năm 2019, tiếp thu các ý kiến tại đối thoại, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định và nhiều thông tư được các Bộ ban hành thay thế các nghị định, thông tư có nhiều vướng mắc như Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, 88/2020/NĐ-CP, qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã gửi tới Hội đồng.
Đồng thời có nhiều chính sách mới như Nghị định số 58/2020/NĐ-CP phù hợp xu thế chung của các nước trên giới, nhằm giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP.
Thống kê về tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2020, báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ TNLĐ làm 3.450 người bị nạn. Trong đó khu vực có quan hệ lao động xảy ra 256 vụ TNLĐ chết người làm 274 người chết; Khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra 104 vụ TNLĐ làm 104 người chết; Số người bị thương nặng là 806 người; Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 516 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là gần 518 tỷ đồng.
Từ thực trạng trên, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, tại buổi đối thoại cần thẳng thắn chỉ ra những bất cập, tồn tại để từ đó đề xuất những giải pháp xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động.