Công tác quản lý sử dụng thuốc còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn
Chiều 14-6, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì phiên giải trình.
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, nhấn mạnh: “Vai trò của thuốc trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Đảng và Nhà nước luôn chú trọng tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, coi sức khỏe của nhân dân là trách nhiệm của tất cả các ngành, các đoàn thể, là trách nhiệm và lợi ích thiết thân của mỗi công dân, được cụ thể hóa qua các nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 14-1-1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
“Trên cơ sở đó, các vấn đề về quản lý thuốc cũng đã được nhà nước quan tâm ban hành như Luật Dược năm 2016; các thông tư, hướng dẫn quy định về quản lý thực phẩm chức năng; Quyết định 1165/QĐ-TTg ngày 9-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045...”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, đồng thời lưu ý: “Tuy nhiên, qua ghi nhận ý kiến người dân, cũng như qua đợt khảo sát thực tế của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM nhận thấy, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa theo kịp với thực tế và nhu cầu của người dân thành phố”.
Từ những bất cập trên, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, phiên giải trình được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện quy định pháp luật, cũng như thực trạng công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố để làm rõ những mặt làm được, chưa được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và phân tích sâu nguyên nhân hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; qua đó đề ra những giải pháp, cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố.
Từ đó, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố, nhất là giai đoạn sau đại dịch Covid-19, cụ thể tập trung vào các lĩnh vực: công tác triển khai, chỉ đạo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác quản lý nhà nước (công tác quản lý các cơ sở sản xuất, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc); công tác quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền)...
Bên cạnh đó, đề nghị các đại biểu cũng tập trung thảo luận về công tác phối hợp giữa UBND quận huyện, TP Thủ Đức với các sở ngành, cơ quan liên quan trong việc quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện.
Đối với UBND TPHCM, các sở ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan đơn vị liên quan, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu giải trình đầy đủ những nội dung mà các đại biểu sẽ đặt ra trong phiên giải trình hôm nay, cũng như những vấn đề mà cử tri thành phố quan tâm qua phần khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM trên tinh thần trả lời rõ ràng; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, của tập thể, cá nhân và đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục trong thời gian tới như thế nào để cử tri và người dân thành phố cùng tham gia giám sát.
Báo cáo tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, hệ thống khám chữa bệnh của thành phố gồm nhiều cơ sở khám chữa bệnh và đa dạng về loại hình. Các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến cuối của khu vực phía Nam. Cụ thể, thành phố hiện có 10 bệnh viện đa khoa (8.400 giường); 22 bệnh viện chuyên khoa (13.385 giường); 12 bệnh viện bộ ngành, trong đó có các bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng (7.055 giường); 19 bệnh viện quận huyện, TP Thủ Đức và 4 trung tâm y tế có giường bệnh (5.377 giường); 67 bệnh viện tư nhân (5.794 giường); 18 trung tâm y tế, 310 trạm y tế, 8.044 phòng khám tư nhân và 39 trạm cấp cứu vệ tinh.
Số bác sĩ/10.000 dân năm 2023 đạt 20,6 bác sĩ (tăng so với năm 2022 và gần đạt kế hoạch 2025 là 21 bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh/10.000 dân năm 2023 đạt 41,2 giường (giảm so với năm 2022) và gần đạt kế hoạch năm 2025 là 42 giường.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, làm số lượng khám chữa bệnh từ 2020 đến 2022 giảm so với trước dịch, nhưng trong năm 2022 số lượt người được khám nội- ngoại trú đạt trên 34,5 triệu người, đa số là người bệnh đến từ các tỉnh thành phố khác. Riêng trong năm 2023, số lượt người khám chữa bệnh nội - ngoại trú đạt trên 38,5 triệu lượt, trong đó khám chữa bệnh BHYT tại TPHCM khoảng 20 triệu lượt/175 triệu lượt của cả nước; tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT tại thành phố năm 2023 là 27.395 tỷ đồng, trong đó chi phí thuốc BHYT trên 11.000 tỷ đồng.
Về hệ thống phân phối thuốc trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có 43 nhà máy sản xuất thuốc; 1.512 doanh nghiệp, cơ sở bán buôn, nguyên liệu thuốc; 16 cơ sở dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và 8.387 nhà thuốc... Sản lượng thuốc tiêu thụ tại TPHCM chỉ chiếm 25%-30% so cả nước. Do đó, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược thành phố.
Để công tác mua sắm, đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế… cung cấp cho các cơ sở y tế công lập, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, thành phố có thuận lợi khi trên địa bàn có 43 nhà máy sản xuất dược phẩm, chiếm khoảng 15% tổng số nhà máy trong cả nước, trong đó các các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm).
Công tác đấu thầu thuốc được quản lý chặt chẽ, tuân thủ đúng theo các quy định. Riêng đối với gói thầu tập trung cấp địa phương, năm 2022, UBND TPHCM giao cho Bệnh viện Hùng Vương thực hiện và có kết quả lựa chọn nhà thầu vào quý 1-2023. Kết quả có 278 mặt hàng thuốc trúng thầu trong tổng số 315 mặt hàng thuốc mời thầu; tổng giá trị trúng thầu trên 1.480 tỷ đồng (tổng giá trị mời thầu là gần 1.619 tỷ đồng). Đối với 37 mặt hàng không trúng thầu của gói thầu tập trung cấp địa phương, các cơ sở y tế công lập thực hiện đấu thầu riêng lẻ.
Ngoài ra, trong năm 2023, Sở Y tế TPHCM cũng đã giám sát công tác đấu thầu của 4 đơn vị, gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện An Bình và Trung tâm Y tế quận 3.
Để công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố ngày một tốt hơn, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược, trong đó cần bổ sung các loại hình kinh doanh dược phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội (kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc); sửa đổi các quy định về thủ tục đăng ký thuốc để rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc mới đăng ký lần đầu, theo hướng tham chiếu kết quả thẩm định, cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý được chặt chẽ (SRA); sửa đổi quy định về gia hạn số đăng ký thuốc tự động trong trường hợp thuốc đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành và không có báo cáo phản ứng có hại nghiêm trọng.
Sửa đổi các quy định về đăng ký thuốc cổ truyền, ưu tiên giảm bớt hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ công thức thuốc và hiệu quả lâm sàng đối với các thuốc sản xuất dựa trên bài thuốc gia truyền được thực tiễn chứng minh hiệu quả điều trị hoặc các bài thuốc đã có lịch sử kinh doanh lâu dài, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả. Ban hành các chính sách ưu đãi để phát triển thuốc cổ truyền nhằm phát huy, kế thừa các bài thuốc quý (quy định về đăng ký thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ).
Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để phù hợp với tình hình thực tế và các qui định pháp luật hiện hành. Sớm phê duyệt dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y- Dược tại TPHCM vào Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư qui định tại Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, Bộ Y tế để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất, phục vụ công tác cung ứng thuốc có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu điều trị.
Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19-4-2011 quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện; Thông tư 23/2011/TT-BYT ngày 10-6-2011 hướng dẫn sử dụng thuốc trong cơ sở y tế có giường bệnh; Thông tư 22/2011/TT-BYT ngày 10-6-2011 quy định tổ chức và hoạt động của khoa dược bệnh viện để cập nhập theo các quy định hiện hành. Phối hợp với BHXH Việt Nam sửa đổi quy định về thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT: tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh trong quá trình mua sắm, bảo quản, cấp phát thuốc tại cơ sở y tế.
Bổ sung quy định nhà thuốc tư nhân được liên kết với cơ sở y tế trong việc cấp phát thuốc cho người có thẻ BHYT để tăng cường khả năng cung ứng thuốc, giảm áp lực cho cơ sở y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận thuốc. Nghiên cứu thành lập Trung tâm dự trữ thuốc quốc gia đối với các thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt để đảm bảo công tác cung ứng thuốc trên toàn quốc kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm chi phí…
Phát hiện hàng trăm cơ sở vi phạm
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong năm 2022 và 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra tại 8.741 doanh nghiệp bán buôn, nhà thuốc trên địa bàn, Sở Y tế TPHCM phát hiện 117 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 3,2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 4 cơ sở; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 9 cơ sở và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược 1 cơ sở. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 279 vụ vi phạm; tang vật vi phạm bao gồm gần 365.000 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ, hộp) dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, trị giá gần 14 tỷ đồng; số tiền thu nộp ngân sách trên 5,7 tỷ đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.