Công tác tập trung người lang thang: 'Gỡ khó' để nâng hiệu quả
'Nhằm giải quyết những bất cập trong công tác tập trung người lang thang, nhiều thay đổi đã và đang được thành phố Hà Nội triển khai, góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh. Thành phố tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả công việc chăm sóc, trợ giúp đối tượng yếu thế theo diện bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tạo lập văn minh đô thị ở Thủ đô'.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về những kết quả trong công tác tập trung người lang thang vào các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố thời gian qua?
- Thực hiện Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 của UBND thành phố về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ tháng 10-2017 đến hết quý I-2023, các Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận, tập trung, quản lý và nuôi dưỡng hơn 3.000 lượt đối tượng. Công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang được triển khai đồng bộ từ UBND xã, phường, thị trấn, các Ban Quản lý di tích, tới các Trung tâm Bảo trợ xã hội, mang lại nhiều hiệu quả, kịp thời ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, hạn chế tình trạng bán hàng rong, xin tiền tại các điểm di tích lịch sử, danh thắng...
- Trong thực tế thực hiện công tác tập trung người lang thang, lực lượng chức năng thường gặp phải những khó khăn, bất cập gì?
- Thứ nhất, đối tượng lang thang xin tiền chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật và đa số là người ngoài tỉnh. Họ được tập trung vào cơ sở bảo trợ xã hội, được chăm sóc, trợ giúp theo diện bảo trợ xã hội của Hà Nội, thể hiện sự nhân văn của thành phố với đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại ở phía sau, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô thân thiện, văn minh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp còn thiếu hiểu biết pháp luật và các quy định của thành phố về chính sách đối với người lang thang, dẫn đến có thái độ không hợp tác, không cung cấp thông tin. Điều này khiến việc đưa người lang thang trở lại với gia đình, cộng đồng nơi cư trú không dễ thực hiện.
Thứ hai, vẫn tồn tại tình trạng có đối tượng lợi dụng người lang thang để trục lợi, bởi nguồn thu từ hoạt động xin tiền không nhỏ. Trong khi đó, căn cứ pháp lý xử lý hành vi mang tính chất “bảo kê” này còn lỏng lẻo, vì vậy khó giải quyết dứt điểm. Những đối tượng này hoạt động chủ yếu ngoài giờ hành chính, thường xuyên thay đổi địa bàn hoặc lựa chọn địa điểm giáp ranh giữa các địa phương, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.
Thứ ba, công tác phối hợp của các lực lượng còn nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả công tác kiểm tra, thực hiện chưa cao.
- Để giải quyết những khó khăn, bất cập kể trên, Hà Nội sẽ có những thay đổi nào trong công tác tập trung người lang thang trên địa bàn trong thời gian tới, thưa ông?
- Triển khai thực hiện Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 của UBND thành phố Hà Nội (thay thế Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2017), Hướng dẫn số 2320/HD-LS của liên sở: Lao động - Thương binh và Xã hội - Công an - Y tế - Văn hóa và Thể thao - Du lịch ngày 2-6-2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi trong công tác này.
Cụ thể, đối tượng lang thang sẽ được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được nơi cư trú. Những người bị bệnh tâm thần, sống lang thang sẽ được đưa đến các bệnh viện. Người lang thang ốm yếu, sức khỏe suy kiệt sẽ được đưa đến các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để điều trị ổn định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, các Sở: Y tế, Văn hóa và Thể thao, Du lịch hướng dẫn thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện công tác giải quyết người lang thang trên địa bàn thành phố. Những thay đổi này nhằm hạn chế hành vi lợi dụng người yếu thế để trục lợi. Thêm vào đó, với việc Công an thành phố tăng cường chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng người lang thang, vai trò của lực lượng công an trong việc điều tra, xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi xin tiền cũng được đề cao. Việc này chắc chắn sẽ góp phần bảo đảm trật tự an ninh xã hội, xây dựng hình ảnh Thủ đô hiện đại, xanh - sạch - đẹp - văn minh.
- Trân trọng cảm ơn ông!