Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả
Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Long Biên được triển hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, với tổng số lượt kiểm tra là 2.152, số cơ sở được thanh tra là 125. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 178 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt là 745.150.000 đồng.
Ban Kinh tế - Xã hội của Hội đồng nhân dân quận Long Biên vừa giám sát tại Ủy ban nhân dân quận về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2019.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân quận Long Biên, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận liên tục phát triển. Hiện, toàn quận có 5.025 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 4 trung tâm thương mại và 30 chợ.
Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác an toàn thực phẩm năm 2019, Ủy ban nhân dân quận đã tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm từ quận tới cơ sở, đặc biệt là công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, qua đó đã đạt được kết quả tích cực.
Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quận đã có ý thức chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường lấy mẫu thực phẩm có nguy cơ cao mất an toàn gửi kiểm nghiệm tại labo; triển khai các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh, chế biến thực phẩm. Với những nỗ lực trên, trong nhiều năm qua, trên địa bàn quận không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển hiệu quả, đúng quy định của pháp luật với tổng số lượt kiểm tra là 2.152, số cơ sở được thanh tra là 125, xử phạt vi phạm hành chính đối với 178 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 745.150.000 đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân quận, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận vẫn còn một số tồn tại như: Một số cơ sở thực phẩm còn vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thực phẩm trong các chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng, một số phường còn tình trạng nể nang trong xử lý vi phạm…
Từ thực tế triển khai, Ủy ban nhân dân quận đã kiến nghị với Hội đồng nhân dân quận về việc đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn ở tuyến cơ sở; tiếp tục bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác an toàn thực phẩm nói chung và thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trong năm 2020.
Tại buổi giám sát, Ban Kinh tế - Xã hội của Hội đồng nhân dân quận đã ghi nhận những kết quả đã đạt được của Ủy ban nhân dân quận trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân quận tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, rõ trách trong triển khai các nhiệm vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện các nội dung: Tăng cường quản lý ở lĩnh vực nông nghiệp, công thương, đặc biệt là các chợ cần chú ý xây dựng mô hình Chợ An toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Tính đến hết tháng 9/2019, quận Long Biên đã rà soát, đánh giá 30 chợ theo tiêu chuẩn "TCVN 11856:2017 - Chợ kinh doanh thực phẩm" để xây dựng Chợ an toàn thực phẩm; triển khai thí điểm 2 chợ theo mô hình Chợ an toàn thực phẩm. Công nhận thêm 2 chợ đạt tiêu chí văn minh thương mại.