Công tác thi hành án về cơ bản đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao
Ngày 2.12, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đồng chủ trì hội nghị.
Nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong thực thi nhiệm vụ
Theo báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2024, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống thi hành án, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, về công tác thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, đạt tỷ lệ 83.88% (tăng 0.62% so với năm 2023); về tiền, đã thi hành xong 116.531 tỷ 786 triệu 859 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 51,84% (tăng 5,06% so với năm 2023). Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng với hơn 30.544 tỷ đồng.
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận. Theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 9.211 việc tương ứng với hơn 22.177 tỷ đồng.
Đối với công tác thi hành án hành chính, năm 2024, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án (kỳ trước chuyển sang là 776 bản án), tăng 599 bản án so với năm 2023. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023).
Trong công tác theo dõi thi hành án hành chính các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 1.978 bản án (có 5 bản án Tòa án bác yêu cầu khởi kiện nhưng đã có quyết định buộc thi hành án).
Cùng với việc triển khai quyết liệt các nội dung trên, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã được Tổng cục Thi hành án dân sự đẩy mạnh. Trong đó, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cập nhật vào cơ sở dữ liệu điện tử thi hành án dân sự; tăng cường sử dụng chữ ký số và gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản điều hành liên kết với trục liên thông văn bản quốc gia; tiếp tục việc thực hiện sử dụng hệ thống SMS trong thông tin, thông báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Thi hành án dân sự.
Tiếp tục triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2025, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng liên quan đến các lĩnh vực công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW.
Thứ hai, Tổng cục tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trọng tâm là xây dựng Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội Khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH14.
Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Thứ năm, thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thi hành án dân sự nhằm cải cách hành chính, tăng cường quản lý các mặt công tác của ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.