Công tác tôn giáo, dân tộc là vấn đề chiến lược, nhiệm vụ quan trọng đặc biệt

Chiều 17/4, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chủ trì Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2025-2030 và Kế hoạch phối hợp công tác năm 2025 giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương với Đảng ủy Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo và đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Công tác tôn giáo, dân tộc không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là vấn đề mang tính chiến lược

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Bài học xuyên suốt trong 40 năm đổi mới đất nước đã khẳng định một chân lý mang tính cốt lõi – "Dân là gốc". Trong quá trình tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tinh thần ấy tiếp tục được khẳng định: lấy nhân dân làm trung tâm, làm nền tảng. Tầm nhìn chiến lược hướng tới Đại hội XIV và mục tiêu phát triển quốc gia đến 100 năm sau cũng vẫn kiên định với nguyên lý "Dân là gốc".

Từ nhận thức đó, công tác dân vận - đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo và dân tộc không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là vấn đề mang tính chiến lược. Đây là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài, đã được minh chứng rõ ràng qua dòng chảy lịch sử và chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Với 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo. Việc làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo đồng nghĩa với việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc-nền tảng vững chắc cho thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì vậy, cần chủ động, linh hoạt trong công tác tham mưu để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này, với mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, phục vụ đồng bào các dân tộc và các tôn giáo - để lấy "Dân là gốc" không chỉ là một khẩu hiệu, mà trở thành hành động thiết thực trong mọi chính sách và chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Lại Xuân Môn ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Lại Xuân Môn ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Cụ thể hóa công tác phối hợp qua 10 nội dung trọng tâm

Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan được xây dựng nhằm tăng cường hiệu quả và chất lượng trong công tác nghiên cứu, tham mưu, triển khai các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và XIV của Đảng đã đề ra.

Việc xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn 2025-2030, cùng với kế hoạch phối hợp hằng năm giữa Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương với Đảng ủy Bộ Dân tộc và Tôn giáo mang tính toàn diện, bao quát đầy đủ các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Đồng thời, tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét, thiết thực trong công tác phối hợp. Cụ thể:

Thứ nhất, tham mưu xây dựng, sơ kết, tổng kết chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo.

Thứ hai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo theo quy định pháp luật.

Thứ ba, trao đổi thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, tôn giáo ở các cơ quan Trung ương và các địa phương; tình hình nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo nói riêng. Phối hợp đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền định hướng, xem xét giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của các tổ chức tôn giáo.

Thứ tư, thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp về tình hình dân tộc, tôn giáo; hướng dẫn xây dựng, phát huy những điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân tiêu biểu, vai trò của cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, định hướng, chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức tôn giáo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, xóa bỏ hủ tục; thúc đẩy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước; bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh ngăn chặn những hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Thứ sáu, xây dựng, thực hiện các đề án, dự án, tăng cường công tác truyền thông, các hoạt động thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kết nối, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo theo quy định và thẩm quyền.

Thứ bảy, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học mang tính chiến lược, cơ bản và cấp bách liên quan đến dân tộc, tôn giáo.

Thứ tám, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác tôn giáo. Phối hợp tham gia trong đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến dân tộc, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ chín, xây dựng cơ sở dữ liệu số, quốc gia số về dân tộc và tôn giáo.

Thứ mười, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh bất cập, chồng chéo trong quy định chính sách, pháp luật và bãi bỏ những chính sách không phù hợp; đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nguồn: VGP

Sơn Hào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cong-tac-ton-giao-dan-toc-la-van-de-chien-luoc-nhiem-vu-quan-trong-dac-biet-20250417203658833.htm