Công tác trùng tu tại Mỹ Sơn đang diễn ra bình thường
Năm 2014, Chính phủ hai nước Ấn Độ - Việt Nam ký bản ghi nhớ thực hiện dự án bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Việc trùng tu sẽ kéo dài 5 năm (2016-2021) đối với khu vực tháp K, H, A. Theo đó từ năm 2017 dự án đi vào thực hiện giai đoạn 1. Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu nhiều ý kiến cho rằng tại sao dự án trùng tu này lại tiến hành cục bộ, không có sự tham dự của các chuyên gia của Việt Nam hoặc các cơ quan chuyên môn như Viện Bảo tồn, Viện khảo cổ...
P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với ông Phan Văn Cẩm (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam, Trưởng ban Điều hành dự án hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) để làm rõ hơn vấn đề này. Theo ông Cẩm, để chuẩn bị cho việc xây dựng dự án, từ năm 2011 đến 2016, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và đoàn chuyên gia Cơ quan nghiên cứu Khảo sát Cổ học Ấn Độ (ASI) đã thực hiện 7 chuyến khảo sát thực địa và làm việc tại Mỹ Sơn. Trên cơ sở kết quả khảo sát và lấy ý kiến góp ý vào bản ghi nhớ và kế hoạch bảo tồn của UBND tỉnh Quảng Nam và Cục di sản văn hóa - Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cơ quan khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ đã hoàn chỉnh Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn với thời gian thực hiện 5 năm. "Theo nội dung bản ghi nhớ thì dự án sẽ được thực hiện bởi ASI thay mặt cho Chính phủ Ấn Độ trực tiếp hợp tác với Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam. Bộ văn hóa có trách nhiệm chỉ đạo Sở văn hóa TT-DL phối hợp thực hiện dự án. Đây là dự án hợp tác song phương vì vậy không có sự tham gia của nhiều bên như những dự án trùng thu trước đây tại Mỹ Sơn.
Tuy nhiên, sự khác biệt này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề liên quan đến chuyên môn bởi không có sự tham gia của các chuyên gia, các viện nghiên cứu của Việt Nam thì qui trình và chất lượng khảo cổ liệu có đảm bảo? Về vấn đề này, thứ nhất cơ quan ASI là cơ quan nổi tiếng của Ấn Độ và đã có nhiều dự án trùng tu di tích Chăm ở Lào, Camphuchia. Nếu như trước đây dự án tháp G được trùng tu do phía Ý tài trợ họ yêu cầu nhiều chuyên gia của Việt Nam tham gia (đồng nghĩa với hợp tác đa phương) thì nay các chuyên gia Ấn Độ chỉ yêu cầu sự phối hợp của Sở văn hóa Quảng Nam bởi nền văn minh, văn hóa của họ rất gần với chúng ta vì vậy họ rất quen thuộc với công tác trùng tu tháp gạch. Trước khi tiến hành, phía Ấn Độ cũng đã cho trung tâm xem video giới thiệu về những tháp Chămpa họ đã trùng tu và cũng như xây mới, rất đẹp, hiện nay phía trung tâm đang liên hệ để có được video ấy", ông Cẩm thông tin.
Nói về thông tin trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số tấm ảnh chụp ở Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) trông chẳng khác nào một đống gạch hoang tàn, dư luận đã lên tiếng chỉ trích phương pháp của nhóm chuyên gia Ấn Độ đang phụ trách dự án Bảo tồn và tôn tạo khu Di sản văn hóa thế giới. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, loại vật liệu phục vụ tôn tạo di tích được các chuyên gia nước ngoài này sử dụng là xi- măng và gạch mới mài máy. Ông Cẩm cho rằng những thông tin này là không chính xác và làm ảnh hưởng đến sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Ấn Độ. "Ngoài chuyên gia Ấn Độ thì theo bản ghi nhớ giữa 2 nước, chúng tôi đã chuẩn bị cán bộ kỹ thuật và một nhóm công nhân có chuyên môn, có sự đào tạo để tiến hành công việc. Nhóm công nhân này được đào tạo từ chương trình hợp tác với Ý khi trùng tu tháp G nên không thể nói là họ không có kinh nghiệm. Bên cạnh nhóm công nhân này hiện nay chúng tôi còn cắt cử một số cán bộ của Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn cùng tham gia làm, giám sát tiến độ công việc. Tôi khẳng định hiện nay công tác trùng tu tại Mỹ Sơn đang diễn ra bình thường, họ vẫn xay bột gạch trộn với vôi, dầu rái nên hồ hơi có màu xám giống xi-măng nhưng bóp vỡ vụn ra không phải là xi-măng. Bên cạnh đó đây không phải là khai quật mà là thực hiện phương pháp bóc tách vì vậy những hình ảnh di dời đất đá lan truyền chính là một phần trong quá trình bóc tách".
Theo ông Phan Văn Cẩm, kết thúc năm thứ nhất, nhóm chuyên gia Ấn Độ đã phát lộ và khai quật được 165 hiện vật, phát hiện tháp K có 2 cửa với những bậc cấp bằng gạch, một xoay về hướng đông, một xoay về hướng tây. Đặc biệt, tại cửa hướng tây phát hiện 2 tượng hình sư tử đứng với khuôn mặt oai hùng, tư thế vững chãi cùng nhiều hiện vật là thành phần kiến trúc, trang trí và những mảnh gốm không tráng men nhưng đa dạng kiểu dáng, màu sắc... Với nhóm tháp H được xây trên ngọn đồi có độ cao, các chuyên gia đã tiến hành khai quật hơn 700m2, làm lộ toàn bộ khung tường bao, hiện vật thu nhặt chủ yếu là thành phần kiến trúc, trang trí góc tháp và chóp tháp bằng chất liệu đá hoặc đất nung. Trong năm thứ 2 này sẽ tiếp tục các công việc tại nhóm tháp K và H, triển khai các phần việc mới tại nhóm tháp A. Đối với nhóm K, H, tiếp tục phát quang dọn dẹp cây cỏ, khai thông hệ thống thoát nước.