Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe

Ở Việt Nam, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương (viết tắt là T5G) trực thuộc Bộ Y tế là cơ quan truyền thông y tế quốc gia có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân phòng bệnh và chữa bệnh cả trong bệnh viện lẫn ngoài cộng đồng.

Mạng lưới trực thuộc Trung ương ở 62 tỉnh, thành phố có Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe địa phương T4G và tại các trung tâm y tế, bệnh viện có T3G. Các hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe bao gồm: Báo chí, truyền hình, phát thanh, hội thảo, tọa đàm, tư vấn hay truyền thông qua mạng xã hội và website,…

Truyền thông giáo dục sức khỏe giúp người dân có ý thức chăm sóc bản thân và gia đình, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường để phòng tránh bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, xây dựng hành vi, lối sống lành mạnh, tập thể dục để phòng ngừa bệnh mãn tính và giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế hiệu quả.

Thời công tác dược bệnh viện, tôi là cộng tác viên của T4G TP.HCM với các bài viết “Sử dụng hợp lý vitamin”, “Ngộ độc kim loại nặng” và “Đạo đức trong hành nghề dược”. Khi tham gia giảng dạy, tôi cộng tác với Báo Long An ở trang Thông tin y tế, Dinh dưỡng – Thuốc quý, An toàn thực phẩm và là khách mời thân thuộc của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai trong chương trình “Vui khỏe mỗi tuần”.

Cơ duyên nào đưa tôi – một dược sĩ bệnh viện đến với công tác truyền thông giáo dục sức khỏe? Xuất phát từ lòng đam mê muốn chia sẻ những thông tin hữu ích phục vụ cộng đồng, dưới sự phê duyệt nghiêm khắc của báo, đài Nhà nước để truyền đạt những thông tin y tế chính thống.

Lần đầu tiên tôi được phỏng vấn là năm 1979, khi tôi đậu chuyên văn cấp thành phố lớp 9 cùng với em gái chuyên văn lớp 5, đài truyền hình cho phóng viên tới nhà, nhìn thấy cái tủ sách to chiếm hết một bức tường, trên đó có tất cả truyện Đông Tây kim cổ, phóng viên nói: “Chúng tôi hiểu vì sao hai chị em giỏi văn”.

Lần thứ 2 là khoảng năm 2006, VTV vào TP.HCM tìm 1 gia đình công chức có hai vợ chồng đi làm, con cái được người giúp việc chăm sóc tốt với ý nghĩa giúp việc cũng là nghề cao quý. Do đặc thù của nghề y phải trực bệnh viện mỗi tuần 1 đêm nên tôi có một chị giúp việc suốt 12 năm, nhờ quan hệ tốt đẹp này nên chúng tôi dễ dàng tả thực.

Đến năm 2016, có lẽ nhờ T4G giới thiệu, tôi đang học Chuyên khoa II ở Đại học Y Dược thì được Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM mời trả lời qua điện thoại chủ đề “Các dụng cụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật”. Cũng may tôi làm ở bệnh viện phục hồi chức năng nên có kiến thức về lĩnh vực này.

Giữa đỉnh dịch Covid-19, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai mời tôi và tiến sĩ Huỳnh Lời truyền thông chống dịch. Mờ sáng hôm đó, xe của nhà đài đón chúng tôi, cẩn thận test Covid ở nhà, đeo khẩu trang đi công tác, nhìn qua cửa kính ôtô thấy đường phố vắng tanh, tài xế phải trình công lệnh qua những chốt chặn. Lo sẽ quên bài, tôi nhờ các bạn kỹ thuật nhà đài đưa nội dung lên máy nhắc nhưng không được, dù sao chúng tôi cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong một chuyến đưa sinh viên dược đi thực tế ở Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, tôi quen các bạn ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và được kết nối với Tổng Biên tập Báo Long An. Tôi vô cùng biết ơn bác Tổng Biên tập đã hướng dẫn tôi từ nghiệp vụ tới kỹ năng viết báo. Ngoài các bài về chuyên môn y dược như “Giờ vàng trong y học”, “Các nhóm bệnh truyền nhiễm”, tôi và bạn bè nghề y thích nhất bài “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” được đăng nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), là tiếng nói chung của nghề y và nghề báo cùng chung mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khi máy móc dần thay thế con người, các thông điệp truyền đi chỉ cần vài click chuột, vẫn có những người chăm chỉ hoạt động truyền thông y tế bằng tất cả nhiệt tình để đem đến sự hài lòng cho độc giả với mong muốn “điều gì từ trái tim sẽ đến được trái tim”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025), xin gửi tới các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cùng toàn thể nhân viên y tế lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và nhiệt huyết để cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, thực hiện lời Bác Hồ dạy "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Mong có sự đoàn kết, phối hợp tốt giữa y tế - giáo dục – truyền thông, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, truyền thông y tế truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, các chuyên gia y tế cần không ngừng cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng để cung cấp những thông tin y tế chính thống, thiết thực đến với toàn dân, để lan tỏa những thông điệp và giá trị tốt đẹp cho xã hội./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cong-tac-truyen-thong-giao-duc-suc-khoe-a190836.html