Công tác ứng phó bão số 3: Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, sẵn sàng đón lũ
Các địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương vận hành hạ thấp mực nước hồ để đón lũ, tuyệt đối không giữ mực nước cao đối với các hồ chứa.
Khẩn trương hạ thấp mực nước các hồ thủy lợi trước giờ bão đổ bộ
Sáng 21/7, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ký công điện khẩn gửi giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, ban quản lý dự án, đơn vị quản lý công trình thủy lợi các tỉnh khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình do ảnh hưởng của bão số 3.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo đó, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc và đầy đủ giải pháp ứng phó đã được chỉ đạo về đảm bảo an toàn hệ thống thủy lợi và phòng chống ngập úng trong điều kiện mưa lớn do bão gây ra.
Cục cũng đề nghị cơ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời cập nhật thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn để chủ động điều chỉnh vận hành hồ chứa phù hợp.
Các đơn vị phải khẩn trương vận hành hạ thấp mực nước hồ, đón lũ theo quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường, gây mất an toàn cho vùng hạ du, đặc biệt, lưu ý không giữ mực nước cao đối với hồ chứa đang thi công. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, lập danh sách cụ thể những công trình trọng điểm, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố khi mưa lớn xảy ra. Lưu ý đặc biệt đối với hồ nhỏ do cấp xã quản lý - vốn có năng lực vận hành hạn chế. Phương án ứng phó cần được điều chỉnh linh hoạt, sát thực tế, bảo đảm hiệu quả khi xảy ra sự cố.
Trong trường hợp mưa lớn gây ngập cục bộ, cần sớm tổ chức tiêu nước đệm ở vùng thấp trũng, vận hành hệ thống trạm bơm tiêu để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Các lực lượng trực ban 24/24h trong thời gian bão, mưa lớn cần được bố trí đầy đủ, nhất là tại những công trình có nguy cơ mất an toàn, đảm bảo kịp thời xử lý tình huống bất thường.
Cưỡng chế tàu thuyền không chấp hành lệnh tránh bão số 3
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 9h sáng 21/7, bão số 3 (bão Wipha) đã vào đến vịnh Bắc Bộ. Bão đang cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 200 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9 (75–88 km/giờ), giật cấp 11. Dự báo, trong 24 giờ tới, bão có khả năng mạnh trở lại, lên cấp 10-11, giật cấp 14.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết tính đến 6 giờ 30 sáng nay, có 425 tàu/1.560 người đang hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ.
Trước tình hình trên, sáng 21/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, Thành phố có tàu thuyền đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ đề nghị khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện kêu gọi, hướng dẫn hoặc có biện pháp cưỡng chế để đưa các tàu thuyền nêu trên về bờ neo đậu.
"UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền và thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 117 của Thủ tướng Chính phủ", Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ.
Theo báo cáo nhanh của Trực ban Phòng, chống thiên tai và an toàn công trình thủy lợi (Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi), tại khu vực Bắc Bộ, hơn 2.490 hồ chứa đang vận hành với lượng nước trữ trung bình đạt từ 58 đến 85% dung tích thiết kế. Cả nước hiện có hơn 330 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nặng, tập trung tại Phú Thọ (51 hồ), Hà Tĩnh (48 hồ), Lạng Sơn (22 hồ), Lâm Đồng (20 hồ), Gia Lai (18 hồ). Cùng với đó, hàng trăm công trình đang được sửa chữa nâng cấp hoặc xây dựng mới.Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại không ghi nhận sự cố nào xảy ra đối với hệ thống hồ chứa thủy lợi trên toàn quốc.Tại khu vực Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, các địa phương đã vận hành 61 trạm bơm với 324 tổ máy và 50 cống tiêu thoát nước. Tuy nhiên, riêng Hà Nội đã ghi nhận ngập úng gây thiệt hại 31 ha hoa màu, cây ăn quả do mưa lớn. Các địa phương khác đang tiếp tục rà soát và cập nhật thiệt hại.