Ứng phó bão số 3: Hà Nội điều tiết dòng chảy, phòng chống úng ngập nội đô

Ngày 21/7, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Bộ do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) từ ngày 21/7 đến 23/7/2025, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 200-350mm, cục bộ có nơi đến 600mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường độ lớn (>150mm/3h).

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẩn trương ứng trực kịp thời tiêu thoát nước trên đường Nguyễn Xiển, chiều 19/7/2025. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẩn trương ứng trực kịp thời tiêu thoát nước trên đường Nguyễn Xiển, chiều 19/7/2025. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Do đó, các lực lượng, phương tiện của Công ty TNHH Một Thành viên thoát nước Hà Nội đã và đang sẵn sàng ứng trực, kiểm tra thanh thải đảm bảo dòng chảy thông thoáng, vận hành các trạm bơm đầu mối, cửa phai hồ điều hòa theo quy trình để hạ mực nước hệ thống sẵn sàng đón ảnh hưởng của bão số 3.

Theo ông Phạm Ngọc Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên thoát nước Hà Nội, các Xí nghiệp trực thuộc đã xây dựng kế hoạch ứng trực 100% lực lượng, bố trí máy móc, thiết bị cơ giới đầy đủ để phòng chống úng ngập do ảnh hưởng bão số 3. Đồng thời, hạ mực nước đệm trên các hệ thống sông, hồ điều hòa, vận hành các cửa phai, trạm bơm theo đúng quy định sẵn sàng phục vụ thoát nước khi mưa; triển khai tua rác tại các cửa thu nước từ 5h30 hàng ngày, cùng với đó kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn, phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố liên quan đến đan rãnh, ga thu, ga thăm.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Một Thành viên thoát nước Hà Nội cũng đề nghị Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hồng, sông Nhuệ để chủ động vận hành trạm bơm Yên Sở, hạ thấp mực nước đệm trên hệ thống sông, hồ điều hòa Yên Sở; quá trình vận hành cần lưu ý đảm bảo an toàn cho máy móc, thiết bị của trạm bơm. Xí nghiệp Quản lý duy trì Hồ vận hành các trạm bơm hồ để hạ tối đa mực nước; điều tiết giữ mực nước các hồ theo đúng quy định; Quản lý vận hành cửa phai, trạm bơm theo đúng quy trình.

Xí nghiệp quản lý các nhà máy xử lý nước thải thường xuyên theo dõi mực nước trên hệ thống, chủ động vận hành trạm bơm DPS 20m3/s theo đúng quy trình. Các Xí nghiệp duy trì thoát nước số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 chủ động kiểm tra, rà soát địa bàn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng triển khai khi có lệnh; khẩn trương xử lý các sự cố phát sinh trên hệ thống ngay khi phát hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra mưa bão. Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc, thiết bị, nhân lực trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khi có yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Công ty.

Ngoài ra, Phòng Quản lý vận hành Hệ thống thoát nước xây dựng kế hoạch ứng trực tại Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước của công ty. Phòng Quản lý chất lượng chủ trì cùng Phòng quản lý vận hành hệ thống thoát nước phối hợp với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố, Sở Xây dựng kiểm tra các công trình thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước (có biên bản với các chủ đầu tư/đơn vị thi công) và trực ứng phó của các đơn vị trong công ty. Phòng Đối ngoại truyền thông kịp thời thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan Thông tấn, báo chí… để người dân chủ động phòng tránh.

Ở góc độ địa phương, ông Cồ Như Dũng - Chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho biết, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão Wipha có thể gây ra, UBND phường Giảng Võ đã yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực nghiêm chỉ đạo của trung ương và thành phố Hà Nội.

Cụ thể, Phòng Văn hóa, Xã hội heo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình cơn bão để thường xuyên thông báo, hướng dẫn kịp thời cho tổ chức và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng thời tiết xấu; có phương án đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị chủ trì, phối hợp với Ban chỉ huy quân sự phường thực hiện rà soát, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”. Điều này, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản trước, trong và sau bão; tổ chức kiểm tra đánh giá hư hỏng của các công trình nhà ở xuống cấp nguy hiểm để có hướng theo dõi và kịp thời di dời dân khi có sự cố xảy ra; phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê cây xanh nặng tán, cần sâu mục, cây chết, đường dây bị võng, cột điện hỏng, hệ thống thoát nước bị tắc, sập, mất nắp ga gửi Sở Xây dựng, Công ty Điện lực Ba Đình, Công ty TNHH Một Thành viên Thoát nước Hà Nội... để có kế hoạch khắc phục đảm bảo an toàn trong mùa lụt, bão.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy quân sự phường Giảng Võ xây dựng phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia khắc phục hậu quả sau bão, sự cố cây đổ, sập đổ công trình... Có phương án sơ tán dân ra khỏi nhà nguy hiểm, khu vực nguy hiểm khi có nguy cơ xảy ra tình huống xấu trong bão lụt. Công an phường chủ động triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bố trí lực lượng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại khu vực bị ảnh hưởng của cơn bão; phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự phường xây dựng phương án, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệp đồng, huy động, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt tình trạng úng ngập, cây đổ.

Đáng chú ý, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân, UBND phường Giảng Võ cũng lưu ý, đối với 3 nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D bao gồm: G6A Thành Công, Đơn nguyên 3 - C8 Giảng Võ, đơn nguyên 1- nhà A Ngọc Khánh yêu cầu các hộ dân chưa chấp hành di chuyển tạm cư, các hộ dừng mọi hoạt động cho thuê, mượn nhà để ở, kinh doanh, chủ động, khẩn trương di dời khỏi nhà nguy hiểm. Trong tình huống khẩn cấp yêu cầu các chủ sở hữu, sử dụng di chuyển tạm thời người và tài sản đến nơi an toàn (vào trường học, nhà văn hóa địa bàn dân cư theo phương án đã xây dựng).

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong sáng 21/7, người dân các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nâng cao ý thức chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đơn cử như tại phường Phú Thượng, các hộ dân trồng Đào đã dùng các dây, cây để chằng, bó, chống đỡ cho cây, để có thể chống chịu với sức gió của cơn bão. Chị Hồ Thị Thu Hằng, phường Phú Thượng chia sẻ, rút kinh nghiệm từ cơn bão Yagi, người dân đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Wipha, đồng thời gia cố vững chắc vườn đào, tỉa cành, giảm chiều cao cây để hạn chế đổ, gãy khi có gió mạnh và dùng vật dụng che chắn, bao bọc gốc đào bảo vệ rễ cây.

Còn tại một số chung cư trên địa bàn thành phố, người dân cũng đang thu dọn cây, gia cố các khu vực để chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Điển hình như, Ban Quản lý khu nhà ở Ecohome2 (phường Đông Ngạc, thành phố Hà Nội) đã chủ động cập nhật, nắm bắt kịp thời về tình hình thời tiết diễn biến của cơn bão số 3, thông báo đến cư dân về mức độ nguy hiểm của các hiện tượng thời tiết cực đoan; có các biện pháp phòng chống để sẵn sàng chuẩn bị ứng phó; Huy động sự vào cuộc của Ban Quản lý, Ban Quản trị và cư dân cùng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lụt.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng Ban Quản trị, Khu nhà ở Ecohome2 cho biết: Để chủ động ứng phó với bão, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của cư dân, Ban Quản trị đã đề nghị cư dân kiểm tra, gia cố lại các cửa sổ, cửa kính của căn hộ, đảm bảo cửa sổ, cửa kính phải đóng chặt trong thời gian mưa bão. Người dân khi rời khỏi căn hộ, cần đóng kín các cửa kính cửa sổ, kiểm tra lại các thiết bị điện, tắt thiết bị điện nếu không cần thiết; di chuyển một số đồ đạc hoặc thiết bị điện tránh xa cửa sổ, những nơi dễ bị hắt nước vào tránh tình trạng bị hỏng hóc, cháy nổ.

Thêm vào đó, các vật dụng ở lô-gia và hành lang thu cất gọn gàng tránh tình trạng rơi vỡ, gây nguy hiểm cho người đi lại và hạn chế ra ngoài khu vực công cộng. Đối với các chậu cây, cư dân có thể gửi tại sảnh tòa nhà hoặc di chuyển vào vị trí an toàn. Bên cạnh đó, người dân không được chặn các cửa thoát hiểm, để tránh gió lùa gây va đập hỏng hóc. Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết thêm, ngay trong chiều 21/7, Ban Quản trị, Ban Quản lý và cư dân sẽ sử dụng bao cát, khung chắn… chặn cửa tầng hầm để xe, phòng tránh tình trạng lượng mưa lớn, nước ngập trong hầm. Các của kính cũng đã được gia cố, dùng dây chằng, băng dính dán chặt, để chống chịu với mưa lớn và dông lốc.

Nguyễn Thắng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ung-pho-bao-so-3-ha-noi-dieu-tiet-dong-chay-phong-chong-ung-ngap-noi-do-20250721133841242.htm