Công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN Việt Nam có nhiều khởi sắc (bài 1)
'Qua từng năm, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững có những điểm khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ', bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết.
Bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ về vai trò của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
- Xin bà đánh giá về tiềm năng, lợi thế của phụ nữ Việt Nam khi tham gia phát triển kinh tế?
Bà Phạm Thị Hương Giang: Cùng với sự phát triển của đất nước, chiếm tỷ lệ 50,13% dân số, 46,8% lực lượng lao động (theo số liệu của Tổng cục Thống kê), phụ nữ ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội, đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của đất nước. Tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2%.
Số phụ nữ tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp tăng mạnh, đặc biệt ở nông thôn. Tỷ lệ lao động nữ từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo tăng từ mức 12,8% vào năm 2010 lên mức 23,9% vào năm 2022. Chị em đã có những nỗ lực và đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế.
- Bên cạnh những nỗ lực và đóng góp to lớn, phụ nữ còn gặp không ít khó khăn, thách thức, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hương Giang: Đúng vậy, chị em phụ nữ còn chịu nhiều ảnh hưởng khi tham gia phát triển kinh tế. Có thể kể đến như: tỷ lệ qua đào tạo thấp nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Theo báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số lao động nữ chưa qua đào tạo chiếm tới 79,1%, đặc biệt là lao động nữ nông thôn, độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số; tỷ lệ lao động nữ làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm đến 94,7% tổng lao động làm thuê; nhiều vấn đề đặt ra đối với phụ nữ di cư (55,5% trong số lao động di cư - theo Điều tra dân số nhà ở giữa kỳ thời điểm 1.4.2019, Tổng Cục thống kê), nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam; công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ phát sinh nhiều hơn.
- Trước thực trạng này, Hội LHPN Việt Nam đã có những tham mưu, đề xuất chính sách để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Xin bà thông tin thêm về vấn đề này!
Bà Phạm Thị Hương Giang: Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và phát huy khả năng đóng góp của phụ nữ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước, tổ chức Hội các cấp đã phát huy vai trò tham mưu của Hội trong đề xuất với Đảng, Chính phủ tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng các Đề án trình Chính phủ.
Nổi bật phải kể đến Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" ban hành kèm theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022 - 2030" ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc triển khai các Đề án của Chính phủ, tham gia các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp cho các cấp Hội từng bước hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế; làm lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp tới được đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng…; góp phần phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19 và gia nhập vào nền kinh tế số) của các cấp Hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ, từ đó góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, phát huy khả năng đóng góp của họ trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, góp phần đạt được các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.