Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức ở Đồng Nai: Góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo các cơ quan của tỉnh, huyện về thăm và làm việc với Đảng bộ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất ngày 20-8-2024. Ảnh: P.HẰNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo các cơ quan của tỉnh, huyện về thăm và làm việc với Đảng bộ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất ngày 20-8-2024. Ảnh: P.HẰNG

Qua gần 40 năm đổi mới đất nước, tốc độ tăng trưởng của tỉnh luôn duy trì ở mức cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng. Để đạt được những kết quả này, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Luôn chủ động, sáng tạo

Theo các tài liệu của Tỉnh ủy, trước Đại hội VI của Đảng (năm 1986), nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác định rõ tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã gắn kết chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức; quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị và kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ, đảng viên. Giai đoạn 1981-1986, tỉnh đã cử 2 ngàn lượt cán bộ theo học các chương trình sơ cấp và trung cấp chính trị, một số cán bộ lãnh đạo đã tham dự các lớp tập huấn ở Liên Xô (cũ). Qua đó, đã đưa Đồng Nai đạt được những thắng lợi bước đầu rất quan trọng trên nhiều mặt, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn sau.

Trong các hội nghị của tỉnh và khi làm việc với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH thường nhấn mạnh đến việc phải lấy chất lượng cuộc sống người dân làm thước đo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ. Đảng bộ Đồng Nai vẫn luôn nỗ lực để làm sao nâng cao chất lượng sống của người dân qua nhiều tiêu chí cụ thể, tăng sự hài lòng và tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.

Giai đoạn 1986-1990, công tác tư tưởng đã góp phần thúc đẩy đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, từng bước hình thành những quan điểm, những nguyên tắc trong chỉ đạo đổi mới. Tăng cường đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, giảm bớt tâm trạng hoài nghi, dao động, chống đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị dân chủ trong Đảng, thực hành tự phê bình và phê bình để xây dựng nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh.

Giai đoạn 1991-1995, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và của từng đảng viên. Quan tâm giáo dục, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên. Đẩy mạnh giáo dục phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nâng cao cảnh giác cách mạng.

Giai đoạn 1996-2000, Đảng bộ tỉnh chú trọng giáo dục, rèn luyện về đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh trong cán bộ, đảng viên thông qua các đợt học tập về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; các đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).

Các giai đoạn sau này, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tiếp tục được xác định là nhiệm vụ hàng đầu và có những đổi mới quan trọng, luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị thường xuyên, sâu rộng, có sức lan tỏa, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quyết định số 272-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Ban hành quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, thực hiện Quy định số 08-QĐ/TU ngày 11-10-2017 của Tỉnh ủy về “Văn hóa trong Đảng tại Đảng bộ tỉnh Đồng Nai”...

Cố gắng làm mọi việc tốt vì dân

Với những quan điểm chỉ đạo và giải pháp nói trên, trong gần 40 năm qua, công tác xây dựng Đảng về chính trị trong toàn Đảng bộ tỉnh đạt kết quả khá tốt. Hầu hết cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Kết quả đánh giá tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) qua từng nhiệm kỳ, tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh tăng lên. Nhiệm kỳ 1991-1995 có 57,36% số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh, đến nhiệm kỳ 2015-2020 tăng lên hơn 80%.

Đối với công tác tư tưởng, các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh..., góp phần tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy Phong trào Thi đua yêu nước, hoàn thành các kế hoạch đề ra, giữ vững và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội ở từng địa phương, cũng như giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ ở từng giai đoạn của quá trình đổi mới.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà cho biết, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều tiến hành 2 cuộc điều tra dư luận xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước... Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trong các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu Tỉnh ủy có những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, qua gần 40 năm đổi mới đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn được duy trì ở mức cao so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Giai đoạn 1991-1995, đến giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt 2 con số. Những năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm so với trước nhưng vẫn tăng cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh luôn nêu cao vai trò nêu gương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, có sự đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; “nói đi đôi với làm”; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm.

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho hay, từ năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có chủ trương thực hiện mô hình Buổi sáng với nhân dân. Theo đó, ngoài tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh dành một giờ các buổi sáng trong ngày làm việc để tiếp, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân mà không cần phải chờ đến các buổi tiếp dân theo định kỳ.

Trong năm 2024, tỉnh triển khai thêm mô hình Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn, nhằm mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202408/cong-tac-xay-dung-dang-ve-chinh-tri-tu-tuong-va-dao-duc-o-dong-nai-gop-phan-quan-trong-vao-su-phat-trien-cua-tinh-5fd009c/