Công thức 'chiếm lĩnh thế giới' của làn sóng văn hóa Hàn Quốc
Các nhóm nhạc K-pop như BTS, các bộ phim Hàn Quốc như 'Parasite' hay 'Squid Game' đã chứng tỏ được sức hút toàn cầu. Khán giả thế giới ngày càng quen thuộc với những sản phẩm âm nhạc từ Hàn Quốc được viết bằng nhiều thứ tiếng, hoặc các phim với những đề tài gai góc trong xã hội hiện đại.
Nhớ lại năm 2008, Bak Seung cùng những đối tác đến Los Angeles (Mỹ) để xin cấp phép chiếu phim Hàn Quốc trên nền tảng trực tuyến. Ở thời điểm Netflix còn chưa phổ biến, họ nhận được những ánh mắt ngạc nhiên và loạt câu hỏi, liệu người Mỹ có chịu đọc phụ đề để xem phim Hàn Quốc hay phát trực tuyến có nghĩa là gì. Khi đó, không ai nghĩ rằng nhóm BTS sẽ được yêu mến trên toàn thế giới, một bộ phim Hàn Quốc như “Parasite” sẽ đoạt giải Oscar còn “Squid Game” sẽ thành công vang dội trên Netflix.
Tuy nhiên, Bak Seung một doanh nhân người Mỹ gốc Hàn là Park Suk đã nhận ra khả năng của văn hóa Hàn Quốc ngay tại các nước nói tiếng Anh. Vì trước đó, người hâm mộ đã đua nhau tải lậu những chương trình, sản phẩm văn hóa Hàn Quốc. Nhiều cộng đồng tình nguyện sản xuất phụ đề cho những “tín đồ phim Hàn” ở các quốc gia khác. Nhờ đó, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc bắt đầu lan truyền xuyên biên giới. Bak Seung đã xây dựng trang phát trực tuyến DramaFever, không chỉ giới thiệu phim Hàn Quốc mà cả Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Nhưng không tác phẩm nào tạo được tiếng vang như các nội dung từ Hàn Quốc.
Sau đó, ngày càng nhiều khán giả trên thế giới say mê các video âm nhạc K-pop hay bắt chước vũ đạo của các nghệ sĩ Hàn Quốc. Các ngôi sao Hàn Quốc được công nhận trên toàn cầu, còn phim Hàn Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng trực tuyến, thậm chí là những vị trí ưu tiên. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, ngành công nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc đã lan ra ngoài biên giới nước này. Vào năm 2020, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận thặng dư thương mại về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nghệ thuật và văn hóa. Điều này đã tiếp diễn trong năm 2021.
Công thức thành công
Theo lý giải của nhà xã hội học John Lie (Đại học California–Berkeley, Mỹ), Hàn Quốc luôn hướng các ngành công nghiệp đến xuất khẩu, theo đó mọi sản phẩm đều được thiết kế để xuất khẩu và có sức hấp dẫn rộng rãi. Điều này càng được đẩy mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Đằng sau thành công khuynh đảo thế giới của các hiện tượng văn hóa Hàn Quốc gần đây đều có vai trò của các hãng sản xuất âm nhạc và công ty giải trí. Họ đã tuyển dụng các tài năng âm nhạc người Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, người Mỹ gốc Á cho các ban nhạc và phát hành sản phẩm bằng nhiều thứ tiếng. Việc nhắm vào thị trường nước ngoài là một kế hoạch kỹ lưỡng của các công ty Hàn Quốc, được đẩy mạnh từ đầu những năm 2000.
Một “bệ phóng” quan trọng khác của K-pop là những cộng đồng người hâm mộ (fandom) có quy mô lớn và được tổ chức quy củ. Mỗi nghệ sĩ, nhóm nhạc lại có cộng đồng riêng – những người sẽ “đua nhau” tải, phát trực tuyến các bài hát hay video của thần tượng để góp phần quảng bá và phóng đại sức hút của những tác phẩm đó.
Trong khi đó, các bộ phim Hàn Quốc lại có công thức thành công khác. Sau khi Hàn Quốc chấm dứt kiểm duyệt điện ảnh vào năm 1995, ngành công nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ với những nhân vật tài năng và chịu ảnh hưởng mạnh từ Hollywood. Các bộ phim Hàn Quốc dần tìm được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, sau đó là Trung Quốc và bùng nổ khắp châu Á, góp phần tạo ra “Hàn lưu” (K-wave). Từ những mô-típ tình cảm lãng mạn ban đầu, phim Hàn Quốc ngày càng cải thiện về chất lượng và nội dung, đa dạng thể loại với những cốt truyện hấp dẫn.
Sự phổ biến của các nền tảng phát trực tuyến cũng giúp cho phim Hàn Quốc tiếp cận khán giả tại nhiều quốc gia hơn, trong đó có các nước phương Tây. Đặc biệt, các nhà phê bình trên khắp thế giới cũng tham gia “mổ xẻ” các bộ phim Hàn Quốc, điển hình là những tác phẩm có tính phê phán xã hội sâu sắc như “Parasite” và “Squid Game”.
Mạng xã hội như Twitter cũng giúp các nội dung văn hóa Hàn Quốc lan tỏa theo “cấp số nhân”, từ giai đoạn 2017 – 2018. Cũng giống như cách mở rộng các fandom, những nội dung về phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc được người hâm mộ chia sẻ nhanh chóng và nhân rộng trên Twitter. Chất lượng ngày càng cao của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc giúp chúng được thảo luận rất nhiều trên Twitter, điều hiếm khi xảy ra trước đây.
Tương lai rộng mở
Người đại diện Studio Dragon, công ty sản xuất đứng sau các bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc, cho rằng sự công nhận toàn cầu và thành công của “Parasite” và “Squid Game” đã mở ra chân trời mới cho ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Sau Netflix, các dịch vụ phát trực tuyến như Apple TV+ hay Disney+ đã ra mắt tại Hàn Quốc vào cuối năm ngoái, cùng một số nhà cung cấp khác. “Sau ‘Parasite’, chúng tôi tin rằng thời của mình đã tới” – người này nói.
Kim Yeon-jeong – người phụ trách nội dung K-pop và Hàn Quốc của nền tảng Twitter cho biết những bước đột phá của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc gần đây đã thu hút sự quan tâm, thảo luận về các bộ phim, bài hát từ Hàn Quốc không kém gì số lượng bàn luận về World Cup hay Thế vận hội.
Mới đây nhất, sê-ri phim trên Netflix “All of Us Are Dead” đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Netflix toàn cầu với 125 triệu giờ xem trong tuần đầu tiên, 236 triệu trong tuần thứ hai. Đây là lần thứ 2 một bộ phim không sử dụng tiếng Anh, sau “Squid Game”, thu hút lượng người xem đứng đầu tại Mỹ. Đó mới là sản phẩm đầu tiên trong số 25 chương trình Hàn Quốc mà Netflix tuyên bố sẽ phát hành trong năm 2022.
Với sự phổ biến nhanh chóng trên Twitter, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc rõ ràng đang nhắm tới thị trường Mỹ để tiếp cận công chúng và củng cố vị thế. Hai công ty giải trí hàng đầu K-pop là Hybe (quản lý nhóm BTS) và SM Entertainment đều đang hợp tác với phía Mỹ để tổ chức các buổi thử giọng, hướng tới ra mắt các nhóm nhạc K-pop tại Mỹ.
Cuối năm ngoái, CJ ENM - nhà sản xuất Hàn Quốc đứng sau “Parasite” và Studio Dragon đã mua lại mảng kinh doanh của nhà sản xuất Endeavor Content (Mỹ) với giá 775 triệu USD, để tiếp tục sản xuất hàng chục bộ phim, chương trình truyền hình đang trong quá trình thực hiện. Đây là thương vụ gây tiếng vang lớn, hoàn toàn trái ngược với giai đoạn trước khi các nhà sản xuất Hàn Quốc đối mặt nguy cơ bị xóa sổ vì phim Hollywood xâm nhập vào nước này./.