Công thức dẹp loạn karaoke tự phát

Ngày 9-3, UBND TP HCM tổ chức họp nghe báo cáo về đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.

Trong buổi họp này, TP, quận - huyện, sở ngành cùng rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp và quyết liệt với tệ nạn này.

Hệ lụy của karaoke tự phát không chỉ là sự phiền hà, bức xúc vì âm thanh quá lớn, gây mất an ninh trật tự; ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi, sức khỏe của người dân mà nghiêm trọng hơn là mầm mống của nhiều mâu thuẫn, án mạng...

Đã có Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt về việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng; Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Câu hỏi đặt ra là vì sao luật đã có nhưng nỗi nhức nhối vẫn còn quá trầm trọng?

Xin thưa, ngoài những lý do mà bất cứ cuộc họp nào cũng nêu ra là khó khăn về nhân lực, phương tiện đo độ ồn... thì có một thực tế rõ ràng là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa thực sự xem nó là một vấn đề cần giải quyết triệt để, thiếu sự phối hợp và chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.

Để xử phạt triệt để nạn karaoke tự phát như hiện nay, trước tiên cần đưa vào hương ước, quy ước để người dân cam kết chấp hành, nâng cao tính tự giác, tự nguyện trên nguyên tắc ứng xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau. Cần đưa tiêu chí chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, không gây tiếng ồn ở khu dân cư làm tiêu chuẩn văn hóa khu dân cư; phát triển quy ước, giám sát về văn hóa (không gây tiếng ồn) tại khu phố; địa phương vận động chủ nhà trọ đặt ra quy ước, giám sát tiếng ồn tại khu trọ... Cần có quy định chi tiết tiếng ồn không được vượt quá bao nhiêu đề-xi-ben, trong không gian như thế nào...

Bên cạnh đó, cần giao trách nhiệm cho địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, rà soát khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh... Tiếp tục giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan vi phạm về tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự tại địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Ngoài ra, sở ngành liên quan cũng phải được giao các nhiệm vụ tương ứng để xử lý, hạn chế tiếng ồn.

Tóm lại, công thức dẹp loạn karaoke tự phát bao gồm: ý chí, quyết tâm của lãnh đạo, sự hợp tác của người dân, công cụ pháp luật và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.

Tương Quan

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cong-thuc-dep-loan-karaoke-tu-phat-20210309212437435.htm