Công trình cấp nước tập trung không hoạt động: 'Bài toán' vẫn chờ lời giải
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67/254 công trình nước sinh hoạt tập trung không hoạt động và không có khả năng phục hồi. Chính quyền các xã và người dân mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm các công trình này.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương) được xây dựng năm 2010 với công suất thiết kế 53m3/ngày đêm, nguồn nước được lấy từ khe núi, tổng mức đầu tư trên 580 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chỉ sau gần 4 năm đi vào khai thác, sử dụng thì công trình đã bị “đắp chiếu” đến nay. Anh Hoàng Văn Sao, một người dân trong xóm, nhớ lại: Thời điểm công trình nước sinh hoạt tập trung tại xóm được xây dựng, bà con ai cũng phấn khởi, tích cực tham gia đóng góp ngày công trong quá trình xây dựng. Vậy nhưng, mới đưa vào sử dụng được một thời gian, công trình bị hư hỏng, không hoạt động được. Người dân trong xóm phải khoan, đào giếng hoặc mua ống để dẫn nước từ khe núi về dùng.
Do không được bảo dưỡng, sửa chữa, theo thời gian, các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Hai bể chứa nước cỏ dại mọc um tùm, lá cây phủ kín mặt bể, rêu mốc phủ đen quanh bể. Một số đoạn ống nước được người dân thu về để tại Nhà văn hóa xóm. Ông Nguyễn Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã Phủ Lý, thông tin: Khi thiết kế công trình, do không có sơ đồ đường ống dẫn nước từ khe núi về các bể chứa, nên khi làm đường giao thông và việc người dân khai thác gỗ đã làm hư hỏng nhiều đoạn ống. Sau nhiều năm công trình không hoạt động, năm 2018 xã đề nghị cấp trên thanh lý công trình, trả lại đất sản xuất cho người dân, bởi công trình được xây dựng trên đất mượn của dân.
Không chỉ công trình nước tập trung xóm Hiệp Hòa, trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 9/26 công trình nước tập trung nhiều năm không hoạt động. Trong đó có 5 công trình được các xã đề nghị thanh lý từ năm 2018 và 4 công trình được đề nghị từ năm 2022.
Cùng với huyện Phú Lương, các địa phương khác cũng có nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung đã không hoạt động trong nhiều năm qua, như huyện Đồng Hỷ có 6 công trình, huyện Đại Từ có 7 công trình...
Hiện nhiều công trình cấp nước tập trung ở nông thôn đang là "gánh nặng" cho các xã. Bởi đây là khối tài sản lớn nhưng không thanh lý được. Mặt khác, các bể chứa nước, đường ống dẫn nước chiếm nhiều diện tích, gây vướng mắc, khó khăn khi xã, xóm xây dựng hạ tầng khác…
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 196 công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân, chúng tôi đang nâng cấp và xây mới 23 công trình do Trung tâm quản lý.
Đồng thời, một số địa phương cũng đang bố trí nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa và xây mới các công trình cấp nước tập trung. Đối với các công trình không hoạt động, địa phương kiến nghị được thanh lý, về nguyên tắc, đây là những công trình sử dụng vốn ngân sách, khi thanh lý, tháo dỡ phải có chủ trương, do cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá, cho phép...