Công trình đặc biệt về lịch sử An Nam của Trương Vĩnh Ký

Bằng vốn kiến thức uyên bác và dày dặn trong nhiều lĩnh vực, từ ngôn ngữ, lịch sử, địa lý cho đến văn học, văn hóa – nghệ thuật, qua 'Bài giảng lịch sử An Nam', học giả Trương Vĩnh Ký đã góp phần mang đến tình yêu lịch sử cho thanh thiếu niên An Nam trong bối cảnh Pháp hóa vào cuối thế kỷ 19.

Mang sử đến gần với thế hệ mới

Được xem là một trong những người mở đầu cho cuộc “đối thoại Đông – Tây” khi An Nam bắt đầu tiếp xúc với Pháp, Trương Vĩnh Ký qua những tác phẩm có nhiều giá trị đã phơi bày được tình hình biến chuyển sâu sắc và phức tạp của xã hội An Nam truyền thống trước tình thế trở thành thuộc địa và dần bước vào lộ trình hiện đại hóa, mà một trong số đó là Bài giảng lịch sử An Nam.

Chân dung Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Wikipedia

Chân dung Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Wikipedia

Đúng như tên gọi, đây là tác phẩm được Trương Vĩnh Ký biên soạn để làm giáo trình dạy học tiếng Pháp qua lịch sử cho các trường Nam Kỳ. Với đối tượng tiếp nhận là học sinh, cộng với việc được viết bằng tiếng Pháp, nên vị học giả chọn cách viết giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, có lúc pha trộn yếu tố văn chương để tư liệu này thêm hấp dẫn hơn.

Như lời nói đầu mà ông chấp bút tại Chợ Quán vào ngày 25.2.1875: “Ớ các trò trai trai, ta xin kiếng sách này cho các trò, vì làm nó ra là làm cho các trò coi. Dùng tiếng Pha-lang-sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà chép chuyện đất nước ta ra cho anh em coi cho quen thuộc tiếng ấy, trông rằng lấy cái tiếng anh em đang lo học mà thuật lại chuyện anh em đã biết thì sẽ giúp anh em cho dễ thông ý tứ léo lắt và hiểu rõ cốt cách tiếng ấy hơn. Nói tắt một lời, ta muốn làm ích cho anh em, chớ chi ước làm vậy mà được như làm vậy...”

Không chỉ mang mục đích chính là gợi nhớ lại bài học lịch sử, mà cuốn sách này cũng đã thể hiện năng lực sư phạm và vốn hiểu biết lịch sử dân tộc khá kỹ của Trương Vĩnh Ký. Ẩn sau những sự kiện và những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước nhà, ta cũng dễ thấy được những sự đúc kết của vị học giả như là bài học gửi đến hậu thế. Lịch sử như những vòng lặp không ngừng cuộn tròn, và hiểu câu chuyện đến từ tiền nhân, thì con người ta cũng sẽ có được thêm những trải nghiệm mới, từ đó có cách đối phó cũng như ứng xử với ngày hiện tại.

Tuy vậy ông cũng khiêm nhường, không mang góc nhìn hiện tại đánh giá tiền nhân, và cũng gửi gắm chính thông điệp này đến với thế hệ học trò có dịp học qua bài giảng của mình. Ông viết: “Đến sau, khi anh em học đã thành tài, biết bắt biết hạch được, thì xin hãy dong thứ cho kẻ lớp trước anh em, vì những kẻ ấy thuở trước chẳng có được những phương tiện mà học hành như anh em bây giờ nhờ Nhà nước đầy lòng lo lắng đã liệu biện cách rộng rãi cho làm vậy đâu”.

Từng có thời gian là việc cho Đại chủng viện Thánh Giuse (Sài Gòn), nên cách phân chia các giai đoạn lịch sử của Trương Vĩnh Ký cũng có phần khác. Theo đó, ông đã khảo sát ba giai đoạn chính: Giai đoạn một - từ năm 2874 TCN cho đến khi Chúa Jesus ra đời (giai đoạn sơ sử trong lịch sử An Nam). Giai đoạn hai từ khi bắt đầu Công nguyên cho đến năm 968 (giai đoạn chuyển tiếp). Và giai đoạn ba từ năm 968, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê và Nguyễn đến khi tác phẩm ra mắt (giai đoạn hiện đại). Tình hình cũng như lịch sử truyền giáo rồi cũng được ông tập trung nghiên cứu ở phần sau này, song song với những biến động của đất nước ta.

Những bài học lớn được trao truyền lại

Như ông thừa nhận, từ những ngày đầu, các công trình văn học vốn đã hiếm hoi ở phương Đông này, thêm vào điều đó thì biên niên sử của một dân tộc thường được viết ra vào thời điểm rất lâu sau các giai đoạn và sự kiện mà nó lưu giữ, do đó mà biên niên sử thường bắt đầu từ nguồn gốc thần thoại. Tuy nhiên, ta không nên xem thường những câu chuyện về các thời kỳ cổ xưa ấy, cho dù chúng có tỏ ra phóng đại, mù mờ, rời rạc đến đâu. Bởi vì, nếu có thể tách bạch chúng khỏi tất cả những gì mà trí tưởng tượng và lầm lạc đã góp phần vào, thì chúng ta vẫn luôn rút ra được từ đó hiểu biết về một sự việc có thực, hoặc nhất là một chỉ dẫn, một dấu vết có thể hữu ích cho công cuộc tìm kiếm sự thật.

Bìa sách Bài giảng lịch sử An Nam. Ảnh: Minh Anh

Bìa sách Bài giảng lịch sử An Nam. Ảnh: Minh Anh

Do vậy mà ông vẫn tái hiện lại một số chuyện kể quan trọng như Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh… mặc dù cấu tứ có vẻ hoang đường. Điều trên cũng cho thấy được một xu hướng chung của dòng lịch sử, đó là bởi những áp lực mang tính cá nhân, mà có những nhà chép sử để phỉnh nịnh những vị vua cai trị nên đã bịa ra những huyền thoại nhằm khẳng định quyền lực thần thánh đến từ Hoàng gia, khiến cho yếu tố huyền ảo cùng với hiện thực đan cài vào nhau, rất khó phân định.

Nhưng lớn hơn cả, chính những motif lặp đi lặp lại của các sự kiện đã giúp cho người tiếp cận tự mình rút ra những bài học lớn, trong bối cảnh mà thực dân Pháp đang dần bành trướng sức mạnh, trong khi đó con đường giải phóng dân tộc mới ở bước đầu. Những bài học này cũng đóng vai trò như sự khích lệ, không những gợi lại tình yêu đất nước, mà còn nhen nhóm những sự thoát ly ra khỏi cảnh sống phụ thuộc, thiếu sự độc lập.

Từ ách đô hộ của các thái thú Trung Hoa cho đến tình hình bất ổn liên miên với các quốc gia như Chân Lạp, Chăm Pa, Ai Lao… Qua việc thuật lại của Trương Vĩnh Ký, có thể thấy rằng “già néo thì đứt dây”, ách đô hộ này tiêu vong do chính những điều thái quá, khắc nghiệt của nó. Nó không chỉ đúng đối với ngoại xâm, mà còn là những vị vua xuất hiện vào cuối triều đại nào đó, hoặc chỉ say đắm thú vui hưởng lạc, hoặc là con rối bù nhìn cho những thế lực đứng sau ngai vàng. Trạng thái chia năm xẻ bảy, thiếu sự đoàn kết cũng được tác giả nhắc rất nhiều lần, viện dẫn nhẫn cứ liệu lịch sử mang tính cảnh báo cho thế hệ sau...

Dù cho thuật lại những trận đánh lớn như của Lê Lợi hay là Quang Trung, thế nhưng sâu hơn ta cũng thấy rằng Trương Vĩnh Ký cũng đang mở ra cách tiếp cận mới và hợp thời hơn cho thế hệ trẻ, là tâm lý chiến. Chẳng hạn Lê Lợi trong tác phẩm này không chỉ xuất hiện với sức mạnh quân đội, với những cuộc di chuyển thần tốc… mà còn ở đó như một vị tướng biết quan tâm đến từng tướng lĩnh cũng như binh lính dưới quyền của mình, từ đó có được lòng trung thành tuyệt đối, và là một lý do chính dẫn đến khởi nghĩa thành công.

Ông cũng nhắc lại những việc làm tốt trong rất nhiều mặt của các vị vua anh minh như Thái Tổ, Thái Tông, từ đó cho thấy tương lai đất nước có thể xấu đi hay là tốt hơn chính là dựa vào thế hệ mới là những học sinh này…

Không chỉ thuật lại một lịch sử dài của dân tộc ta, qua Bài giảng lịch sử An Nam, Trương Vĩnh Ký cũng đã gửi gắm rất nhiều bài học đến từ tiền nhân cho một giai đoạn mà đất nước ta vẫn đang oằn mình trước gánh nặng thời cuộc. Bằng cách viết đơn giản, khúc chiết, qua tác phẩm này, độc giả cũng sẽ từng bước hình dung đầy đủ hơn về Trương Vĩnh Ký, một nhân vật đến nay vẫn gây thử thách trong diễn giải, đánh giá, nghiên cứu của hậu thế.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cong-trinh-dac-biet-ve-lich-su-an-nam-cua-truong-vinh-ky-42228.html