Công trình giao thông ở TP.HCM gấp rút bù tiến độ sau dịch
Toàn bộ công trình giao thông ở TP.HCM đồng loạt thi công trở lại để bắt kịp tiến độ bị gián đoạn sau 4 tháng giãn cách xã hội.
Từ 1/10 đến 30/10, TP.HCM thận trọng mở cửa trở lại sau 4 tháng giãn cách kéo dài. Toàn bộ dự án giao thông, xây dựng được khôi phục hoạt động.
Trao đổi với Zing, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết bên cạnh những thuận lợi, các công trình đang đứng trước thách thức đuổi kịp tiến độ bị bỏ lại sau dịch.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), do Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Tính đến nay, dự án đạt 88% tổng khối lượng. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch kéo dài từ năm 2020 đến nay, tư vấn chung NJPT đánh giá tiến độ dự án khó hoàn thành trong năm nay mà chậm nhất vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Việc vận hành chạy thử có thể tiến hành đầu năm 2024 và sau đó là công tác vận hành thương mại.
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và TP Thủ Đức. Dự án khởi công năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng nhiều lần trễ hẹn.
Cầu đã hợp long hôm 2/9 và lùi kế hoạch hoàn thành vào tháng 12 năm nay, dự kiến đưa vào sử dụng vào 30/4/2022.
Khi đưa vào sử dụng, công trình được kỳ vọng sẽ kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, đường hầm vượt sông Sài Gòn.
Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), tổng vốn 830 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án đạt hơn 27% tổng khối lượng; dự kiến hoàn thành nhánh hầm HC2 (đã đạt 52%) cuối năm nay và tiếp tục hoàn thành nhánh HC1 vào năm 2023. Công trình làm hai hầm chui mỗi chiều dài 480 m trên đường Nguyễn Văn Linh, cùng các nhánh rẽ, đảo tròn trung tâm phía trên.
Dự án trong giai đoạn thi công các hạng mục đốt hầm kín, đốt hầm hở, trạm bơm của hầm chui và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Phước Thuận, Phó ban điều hành Dự án đường bộ 4, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) là chủ đầu tư, trong quá trình cao điểm dịch bùng phát, công trình gặp phải nhiều khó khăn về thiếu vật liệu, các quy định phòng dịch nghiêm ngặt dẫn đến tiến độ bị chậm.
“Trong dịch, dù duy trì thi công nhưng nhân công chỉ có thể thực hiện trước những việc gọn, nhẹ… Nhiều việc như đổ bê tông cũng không thể đổ được vì nhà cung cấp vật tư, thép đều không có”, ông Thuận nói và cho biết công trường hoạt động xuyên suốt tuần, trừ ban đêm do đặc thù máy móc nặng, khó đảm bảo an toàn.
Dự án khi đưa vào sử dụng giúp giảm giao cắt giữa các hướng đi qua nút giao, giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía Nam và tạo thuận lợi cho xe từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra đến cầu Kênh Tẻ và vào trung tâm thành phố.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết đơn vị cũng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ 9 gói thầu, dự án trước 31/12 gồm: Dự án Nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân); xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức); xây mới cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); xây dựng kè chống sạt lở Sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500 m...
Ngoài ra, dự án xây dựng mới cầu Bưng (quận Bình Tân); sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh Lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh) sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.
Đường Vành đai 2 dài 64 km, đã được hoàn thành 50 km, còn khoảng 14 km (chia làm 4 đoạn) chưa thể khép kín. Dự án từ khi được phê duyệt đầu tư đến nay đã 14 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Dự án gặp vướng mắc khi tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ ở đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa. Việc chi trả bồi thường mới đạt gần 79%, diện tích mặt bằng bàn giao thi công xấp xỉ 75%.
Đường Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, được Thủ tướng phê duyệt 10 năm trước.
Dự án có vai trò chiến lược kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn, trong đó chỉ mới có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km hoàn thành. Các đoạn còn lại của dự án đang được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng nhận định Vành đai 2 và 3 là công trình rất quan trọng đối với TP.HCM cần được ưu tiên đầu tư. “Thành phố cũng đang tìm mọi cách để lũy tiến, sắp xếp nguồn vốn đầu tư cho dự án này”, lãnh đạo Sở GTVT TP nói.
Hai dự án này đã được phê duyệt quy hoạch gần 10 năm trước nhưng đến nay chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Bằng cũng cho hay trong thời gian giãn cách, TP vẫn cho phép triển khai các công trình trọng điểm, nhưng việc thi công chỉ mang tính cầm chừng, công tác giải phóng mặt bằng di dời hạ tầng kỹ thuật gần như không triển khai.
"Do đó, ban, ngành giao thông đã phối hợp với các địa phương bắt tay ngay vào giải phóng mặt bằng; di dời hạ tầng. Đây là hai công tác khó nhất cần triển khai nhanh, quyết liệt", ông Bằng nói và đánh giá sau khi đồng loạt tái khởi động, tiến độ các công trình giao thông đã khả quan hơn.