Công trình hé lộ những kiến thức thiên văn sâu sắc của người Ai Cập cổ đại
Theo TTXVN ngày 23/8, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết một đài quan sát thiên văn có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã được phát hiện tại tỉnh Kafr El-Sheikh, ở vùng Đồng bằng sông Nile thuộc miền Bắc nước này.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ đài thiên văn tại Đền Buto thuộc di chỉ khảo cổ Tell El-Faraeen ở tỉnh Kafr El-Sheikh được đánh giá là một trong những đài quan sát đầu tiên và lớn nhất cùng loại. Đài quan sát được xây dựng từ gạch bùn này đóng vai trò quan trọng trong việc quan sát và ghi lại các hiện tượng thiên văn, cũng như chuyển động của Mặt Trời và các ngôi sao.
Tổng Thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA), ông Mohamed Ismail Khaled nêu rõ khám phá này càng khẳng định thêm những kiến thức thiên văn sâu sắc của người Ai Cập cổ đại, bao gồm khả năng xác định lịch Mặt Trời và các ngày tôn giáo và nông nghiệp quan trọng. Ông cho biết thêm cấu trúc này cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về các kỹ thuật tinh vi mà người Ai Cập cổ đại sử dụng thông qua các công cụ đơn giản.
Trong số những phát hiện quan trọng có một chiếc đồng hồ Mặt Trời bằng đá nghiêng hiếm có - một công cụ nổi bật để đo thời gian vào thời cổ đại - và tàn tích của một tòa nhà gạch bùn lớn, được cho là lớn nhất cùng loại từ thời đại đó.
Đài quan sát là một công trình rộng lớn với một sảnh trung tâm hình chữ L, một bức tường gạch bùn lớn giống với lối vào tháp biểu tượng của các ngôi đền Ai Cập cổ đại và một số phòng chứa đồ.
Người đứng đầu Bộ phận cổ vật Ai Cập tại SCA, ông Ayman Ashmawy cho biết phái đoàn khảo cổ cũng đã phát hiện ra một số hiện vật, bao gồm một bức tượng từ Vương triều thứ 26, dụng cụ đo thiên văn (merkhet) và nhiều đồ vật tôn giáo cùng đồ gốm dùng trong đời sống hằng ngày và các nghi lễ. Theo ông, phát hiện này cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về các hoạt động khoa học và tôn giáo của người Ai Cập cổ đại.