Công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết về làng Việt cổ truyền
Trong cuốn sách, PGS.TS Bùi Xuân Đính đã giới thiệu các khía cạnh của làng Việt cổ truyền (địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) từ cách tiếp cận của một cuốn từ điển - bách khoa thư.
Từ trước đến nay, làng Việt cổ truyền luôn là đề tài nghiên cứu lý thú, hấp dẫn trên nhiều góc độ: Sử học, Dân tộc học, Văn hóa học, Chính trị học... Đến nay, đã có một lượng lớn công trình nghiên cứu được công bố dưới các thể loại khác nhau: sách, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, luận án, luận văn, bài tạp chí, phóng sự bằng phim ảnh... nhất là sách chuyên khảo về các vấn đề chung của làng xã và về làng xã ở các địa phương.
Hành trình hơn 40 năm rong ruổi khắp các làng quê
Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn thiếu các công trình mang tính tổng kết chuyên sâu để giúp người đọc, nhất là giới trẻ có thể hiểu được một cách khái quát các khía cạnh của đời sống làng Việt xưa kia.
Cuốn Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền của PGS.TS Bùi Xuân Đính là kết quả hơn 40 năm nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, gắn bó với đề tài “làng xã” của ông. Cuốn sách đề cập đến hầu hết khía cạnh của làng Việt cổ truyền qua cách tiếp cận của một cuốn từ điển bách khoa thư. Có thể nói đây là một tư liệu quý góp phần khỏa lấp sự thiếu hụt nói trên.
Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Xuân Đính, ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu đề tài “Làng xã” từ tháng 12/1978 (thời điểm ông học xong chuyên ngành Dân tộc học tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, về làm việc tại Viện Dân tộc học, thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Trong suốt mấy chục năm, ông đã rong ruổi khắp các làng quê thuộc các vùng miền để khảo sát, lấy tư liệu. Ông đã đi qua nhiều làng quê thuộc các loại hình khác nhau: làng đồng chiêm, làng đồng mùa, làng ven sông đất bãi, làng nghề, làng buôn bán, làng chài, làng khoa bảng, làng đảo và nhiều làng ven biển. Mỗi làng mỗi vẻ, đã để lại trong tác giả những ấn tượng, ý niệm khác nhau về các nét văn hóa truyền thống.
Trong quá trình rong ruổi đó ông đã thu được một lượng khá lớn tư liệu về nguồn gốc lịch sử, cơ sở kinh tế, thiết chế xã hội, các di tích, phong tục, lễ tiết, hội làng, nguồn văn học dân gian và di văn Hán - Nôm. Một phần tư liệu này đã được ông xử lý thành các luận điểm khoa học trong một số bài viết và một số sách đã công bố. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tư liệu chưa được tác giả xử lý bởi những lý do khác nhau.
Vài ba năm trở lại đây, tác giả nung nấu ý định biên soạn cuốn Từ điển làng xã. Thế nhưng, từ điển có đặc điểm câu ngắn gọn, trong khi thực tế, rất nhiều khái niệm liên quan đến khía cạnh của đời sống làng quê có nội hàm rất rộng nên không thể chuyển tải hết được thông tin, kiến thức. Chính vì vậy, ông đã chuyển hướng biên soạn thành cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền.
Về việc chuyển hướng này, theo tác giả còn vì những lý do sau:
Thứ nhất, việc nghiên cứu làng xã từ trước đến nay mang tính khái quát cao, song cũng chính vì thế mà mang tính cắt xén, dẫn đến việc không phản ánh đầy đủ đặc điểm, những điểm tương đồng, khác biệt về các khía cạnh đời sống của các làng cùng hoặc khác loại hình, khiến người đi sau muốn tìm hiểu không biết bắt đầu từ đâu.
Thứ hai, những biến đổi toàn diện, sâu sắc của làng quê sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 đã làm thay đổi toàn diện và sâu sắc diện mạo làng xã hơn tất thảy những lần thay đổi trước đó. Bên cạnh đó sự biến đổi quá nhanh của đời sống nông thôn trong mấy chục năm gần đây, cũng khiến cho nhiều người khó hình dung, hoặc không biết một số dụng cụ gắn bó thân thiết với người nông dân.
Trong khi đó, những hiện tượng, khía cạnh của đời sống làng quê đã “biến mất” lại chưa được đề cập, hoặc đề cập không được đầy đủ tường tận. Đây cũng là lý do thôi thúc tác giả viết cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền.
Làm rõ diện mạo khía cạnh đời sống của làng Việt cổ truyền
Trong cuốn sách, PGS.TS Bùi Xuân Đính đã giới thiệu các khía cạnh của làng Việt cổ truyền (địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) từ cách tiếp cận của một cuốn từ điển - bách khoa thư, thông qua các mục từ theo các chủ đề:
- Các mục từ chung về làng xã. Phần này trình bày các nội dung: Làng, xã, thôn.
- Các từ mục về kinh tế và văn hóa vật chất. Phần này trình bày các nội dung: Các mục từ chỉ bộ công cụ trồng trọt và chăn nuôi; các mục từ về tiết khí và các vụ lúa; các mục từ về thao tác kỹ thuật trồng lúa; các mục từ khác về kinh tế; các mục từ về văn hóa vật chất; các mục từ khác về văn hóa vật chất.
- Các mục từ về cơ cấu tổ chức và các quan hệ làng xã. Phần này trình bày các nội dung: Các mục từ về cơ cấu tổ chức làng xã; các mục từ về quan hệ xã hội làng xã và phân tầng xã hội.
- Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán, lễ tiết. Phần này trình bày các nội dung: Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức; các mục từ về phong tục, tập quán, lễ tiết.
- Các mục từ về văn hóa - văn nghệ, di văn Hán Nôm. Phần này trình bày các nội dung: Các mục từ về văn hóa, văn nghệ; các mục từ về di văn Hán Nôm.
Sự phân định các từ theo cụm từ trên, theo tác giả chỉ mang tính chất tương đối, vì rất nhiều từ hàm chứa nội cả về kinh tế, xã hội và văn hóa đan xen lẫn nhau. Chẳng hạn, từ “Đình làng” dùng để chỉ ngôi nhà chung của làng vốn thuộc văn hóa vật chất, song lại hàm chứa các yếu tố văn hóa - xã hội (là nơi sinh hoạt chính trị - xã hội của dân làng) và văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh (nơi thờ thành hoàng và diễn ra các nghi thức tế lễ, các trò diễn trong hội làng, các hình thức sinh hoạt văn hóa). Chính bởi thế, khi đặt một từ ở mục nào, tác giả căn cứ vào nội dung nổi trội nhất mà nó phản ánh.
Cũng theo tác giả, việc trình bày nội dung các mục từ phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tập trung giới thiệu các khía cạnh đời sống của làng Việt cổ truyền, song trình bày thêm những diễn biến thay đổi của khía cạnh đó qua một số mốc chính, thời điểm cụ thể tùy sự thay đổi của khía cạnh đó. Các mốc quan trọng nhất là: Cách mạng Tháng tám năm 1945, hòa bình lập lại năm 1954, công cuộc hợp tác hóa từ năm 1958 trở đi và công cuộc hiện đại hóa nông thôn từ năm 1996 đến nay.
Thứ hai, mỗi từ cố gắng làm rõ diện mạo khía cạnh đời sống của làng Việt ở dạng “cổ truyền” từ những gì tác giả được chứng kiến, được biết qua khảo sát thực địa, qua thư tịch hoặc hiện vật, các công trình nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Đồng thời, đưa ra một số thông tin cơ bản về sự biến đổi của các khía cạnh đó theo thời gian, từ “cổ truyền” đến nay.
Thứ ba, tập trung biên soạn các từ liên quan đến những khía cạnh cơ bản nhất, thiết thân nhất của đời sống làng Việt cổ truyền, không trình bày những từ cụ thể về các loại giống lúa, hoa màu, các nghề thủ công, các món ăn, các hội làng, các loại hình tôn giáo.
Thứ tư, chú trọng đến các yếu tố Dân tộc học / Nhân học, Văn hóa học khi giới thiệu các mặt đời sống mà các từ phản ánh. Chẳng hạn các từ “Ao làng”, “Giếng làng” không chỉ đơn thuần miêu tả nguồn gốc, đặc điểm, công dụng của các yếu tố đó, mà còn đi sâu vào mối quan hệ cộng đồng làng xã xung quanh chúng.
Thứ năm, các từ được sắp xếp theo thứ tự A, B, C theo cụm vấn đề và theo trình tự của vấn đề. Chẳng hạn các cụm từ về “Bộ gia cụ”, “Bộ nông cụ”. Một số từ trong cụm từ này có nội dung dài thì được tách làm từ riêng.
Ngoài những nguyên tắc chính trên, để thuận tiện cho tra cứu, tác giả cũng đưa ra một số nguyên tắc liên quan đến chính tả và trình bày trong cuốn sách.
Với khoảng 340 từ phân bổ trong các mục từ theo các chủ đề, được trình bày công phu, giải thích cặn kẽ, sách Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền - kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, gắn bó với đề tài làng xã của PGS.TS Bùi Xuân Đính - đã làm rõ các khía cạnh đời sống vật chất lẫn tinh thần của làng Việt cổ truyền.
Không những vậy cuốn sách còn là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, nông thôn, với các nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến chủ đề làng xã Việt Nam.