Công trình sửa chữa, bảo dưỡng có cần giấy phép môi trường?

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

Ông Lê Thành (Sơn La) hỏi, công trình sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công (có tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng) với các nội dung công việc như cạo trát, trát, sơn... có phát sinh bụi, nước thải trong quá trình thi công có được coi là nước thải, bụi phải được xử lý hay không? Các dự án sửa chữa tài sản công như trên có phải xin giấy phép bảo vệ môi trường hay không?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Việc cấp giấy phép môi trường áp dụng cho các dự án đầu tư có phát sinh chất thải phải được xử lý khi đi vào vận hành chính thức.

Thông thường các dự án sửa chữa, bảo dưỡng chỉ phát sinh chất thải trong quá trình thi công, cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn thi công thì không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cong-trinh-sua-chua-bao-duong-co-can-giay-phep-moi-truong-102230627214431322.htm