Công trình thủy lợi Tây Nguyên tích đủ nước phục vụ thâm canh

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của bão và áp thấp trên biển Đông nên các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) liên tục có mưa với thời lượng kéo dài. Do đó, mực nước ở các sông, suối lên cao nên hệ thống hồ, đập có điều kiện tích đủ nước theo dung tích thiết kế để phục vụ chống hạn, thâm canh cây trồng trong mùa khô năm 2017.

Hồ chứa nước Krông Búk Hạ nằm trên địa bàn xã Ea Phê, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các hồ, đập lớn và vừa của Tây Nguyên như Đắk Uy (Kon Tum), Biển Hồ, Ayun Hạ, Ia Mlas (Gia Lai), Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ, Ea Kao, Krông Búk hạ, Ea Nhái (Đắk Lắk), Đa Nhim (Lâm Đồng)... đều đã tích đủ nước theo dung tích thiết kế phục vụ tốt yêu cầu thâm canh cây trồng và nước sinh hoạt trong mùa khô cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Cùng đó, các tỉnh trong khu vực cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại các công trình thủy lợi trên từng địa bàn; đồng thời, hướng dẫn đồng bào dân tộc thực hiện một số giải pháp tận dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi nhỏ. Cụ thể như: nâng cao tràn hồ chứa bằng bao cát vào cuối mùa mưa để trữ thêm nước trong hồ; dẫn nước vào chứa trong ao, đầm - những nơi có điều kiện cho phép.

Với những công trình thủy lợi xuống cấp, các tỉnh Tây Nguyên tổ chức huy động người dân nhanh chóng tu bổ, sửa chữa để có điều kiện tích nước đạt mực nước dâng bình thường; kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đóng, mở cửa cống để chủ động phân phối, điều tiết nước trong hồ, đập…

Những công trình hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, các tỉnh Tây Nguyên kiên quyết không tích nước; đồng thời, bố trí theo dõi 24/24 nhằm phát hiện kịp thời sự cố để thông báo, tránh thiệt hại về người và tài sản cho vùng hạ du.

Đắk Lắk là địa phương có nhiều công trình thủy lợi xuống cấp; trong đó có trên 60 công trình thủy lợi nhỏ xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh chưa thực hiện lập phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du hồ, đập.

Bởi vậy, vào mùa mưa lũ, trước khi xả tràn, đơn vị phải thực hiện biện pháp báo động, thông báo bằng văn bản hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến các xã, huyện vùng hạ du (tối thiểu trước 6 tiếng) để bảo đảm an toàn cho người và tài sản vùng hạ du. Hiện tất cả các công trình, cụm công trình thủy điện có hồ chứa đều lắp hệ thống còi hú để cảnh báo cho đồng bào các dân tộc vùng hạ du khi tiến hành xả lũ…

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 2.261 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; trong đó có 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, còn lại là các trạm bơm, với trên 5.000 km kênh mương đã được kiên cố hóa phục vụ tưới cho 215.765 ha cây trồng có nhu cầu tưới nước. Lúa nước được tưới chủ động 50%, cà phê 21% diện tích; diện tích cây trồng còn lại được tưới bằng các công trình tưới khác như giếng khoan, giếng đào, sông, suối.

Quang Huy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/cong-trinh-thuy-loi-tay-nguyen-tich-du-nuoc-phuc-vu-tham-canh-20170729190013804.htm