Công trình quần thể tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng được khởi công xây dựng vào năm 2009, trên diện tích 3,8 ha, thuộc dãy núi Động Voi của tổ dân phố 3 (thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, với 4 hạng mục chính gồm quảng trường lớn, trục bậc thang, sân lễ nghi, tượng đài và hệ thống khuôn viên. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trong đó, 3 pho tượng chính, gồm tượng Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng và 2 nghĩa sĩ Cần Vương cao hơn 15 m, đứng trên chân đế đá khối khắc họa hình ảnh rừng cây cao 8,5 m. Ảnh: Cẩm Kỳ
Công trình quần thể tượng đài Phan Đình Phùng khởi công từ năm 2009, tuy nhiên, đến năm 2016, mới được khánh thành vì thiếu vốn. Đến nay, nhiều hạng mục tại công trình hơn 30 tỷ đồng này đã trở nên xuống cấp. Ảnh: Cẩm Kỳ
Ngay từ lối bắt đầu bước vào tượng đài, nhiều đoạn tường công trình bị nứt toác kéo dài. Ảnh: Cẩm Kỳ
"Thời gian đầu, tượng đài Phan Đình Phùng đã thu hút rất nhiều du khách đến vãn cảnh, tuy nhiên sau khi công trình xuống cấp, khuôn viên tại trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan... lượng du khách cũng dần ít đi", ông Nguyễn Trí Dũng (66 tuổi, trú tại thị trấn Vũ Quang) cho biết. Ảnh: Cẩm Kỳ
Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, tiềm ẩn nguy cơ đỗ gãy. Ảnh: Cẩm Kỳ
Nền gạch bong tróc, hằn lún, vỡ kết cấu, hệ thống bậc thang đá cũng xuống cấp, không kết dính, sứt góc và nứt nẻ. Ảnh: Cẩm Kỳ
Khuôn viên của công trình tượng đài Phan Đình Phùng theo thời gian đã bị úa mốc, những lớp sơn bong tróc gây mất mỹ quan. Ảnh: Cẩm Kỳ
Bên cạnh đó, nhiều bức tường, hệ thống bậc thang ngoài xuống cấp còn bị rêu mốc phủ bám, hệ thống cây cảnh, cây xanh trong khuôn viên lâu ngày không được chăm sóc đang ngày càng héo úa. Ảnh: Cẩm Kỳ
Cảnh những lớp sơn bị bong tróc, nhếch nhác tại đường lên tượng đài Phan Đình Phùng. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trường Thọ, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Vũ Quang cho biết, địa phương đã nắm được thông tin về việc công trình quần thể tượng đài Phan Đình Phùng xuống cấp. Tuy nhiên, huyện đang gặp khó trong việc sửa chữa, khắc phục một số hạng mục đang xuống cấp vì không có vốn. Ảnh: Cẩm Kỳ
“
Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (SN 1847) tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Ông là lãnh tụ trong phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX, điển hình là cuộc khởi nghĩa Hương Khê với đại bản doanh ở vùng núi Vũ Quang (thuộc huyện Vũ Quang ngày nay).
Đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, có thời gian dài nhất (1885 - 1895), địa bàn hoạt động rộng và quy mô tổ chức bài bản, chặt chẽ nhất trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Năm 1895, Phan Đình Phùng bị thương trong một trận chiến đấu và hy sinh.
Sự hy sinh của chủ tướng Phan Đình Phùng cũng là thời điểm kết thúc cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đồng thời chấm dứt khuynh hướng cứu nước theo tư tưởng phong kiến ở Việt Nam.
Dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng tấm lòng yêu nước, ý chí quật cường của Phan Đình Phùng và nghĩa quân đã trở thành điểm sáng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Cẩm Kỳ