Công trình tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy xuống cấp: Cần sớm được đầu tư tu sửa
Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2008 với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng, sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp, khuôn viên nhếch nhác, cần sớm được đầu tư, nâng cấp.
Theo tìm hiểu của PV, tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy ở xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được khởi công vào năm 2000 với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng, do Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình làm chủ đầu tư, Công ty Mỹ thuật Trung ương thi công.
Công trình được xây dựng ngay trên khu vực Di tích trận địa pháo đại đội nữ dân quân Ngư Thủy (được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 51/QĐ-BVHTT ngày 27/12/2000). Công trình được đầu tư, xây dựng nhằm biểu dương, ghi nhớ những chiến công hào hùng của đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1970) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (gọi tắt là Xê gái) được thành lập vào ngày 20/11/1967 với 3 trung đội, có nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và đánh chặn tàu chiến Mỹ trên biển, không cho tàu áp sát hải phận nước ta. Ngày 25/8/1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh những cô gái anh dũng của Đại đội nữ pháo binh nổi tiếng trong thơ ca, văn học, được cả nước và quốc tế biết đến qua 2 bộ phim “Những cô gái Ngư Thủy” của cố đạo diễn Lò Minh (năm 1968) và “Trở lại Ngư Thủy”.
Đến năm 2008, công trình này mới hoàn thành và được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, thực hiện tiếp đón du khách đến tham quan.
Công trình có tượng cao 6 m, nặng 30 tấn bằng chất liệu đá trắng cẩm thạch, trong khuôn viên rộng 2500 m2. Trải qua thời gian, nhiều hạng mục của công trình tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy đã trở nên xuống cấp, nứt nẻ, hư hỏng, trông nhếch nhác, hoang tàn, mất mỹ quan và giá trị lịch sử.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hạng mục của công trình tượng đài bị xuống cấp, ảnh hưởng mỹ quan và giá trị lịch sử. Nhìn từ bên ngoài tượng đài, khuôn viên tường rào đã phai màu, loang lổ rong rêu, xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, hệ thống đèn chiếu sáng hư hỏng, không hoạt động. Đặc biệt, cánh cổng sắt bảo vệ không còn, phần bia chữ ghi thông tin trước cổng mờ nhạt, không còn rõ chữ. Đi vào phía bên trong, bủa vây nhiều rác thải, nền gạch nhiều viên bị nứt vỡ, hư hỏng, bức tưởng bao quanh tượng đài rêu phủ kín, chi chít điểm nứt gãy, bong tróc, để lộ mảng tưởng gạch bên trong. Cây xanh trồng trong khuôn viên cằn cỗi, trơ trụi.
Ông Nguyễn Văn Hùng - người dân xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), sống gần công trình tượng đài cho biết: Trước đây, người dân và du khách vẫn thường xuyên về tham quan, tìm hiểu; nhưng thời gian gần đây tượng đài xuống cấp, xuất hiện nhiều điểm nứt vỡ, hư hỏng nên không còn thu hút nhiều người ghé thăm.
“Mong chính quyền các cấp sớm có chủ trương tu bổ tượng đài sạch đẹp và an toàn hơn. Đó cũng là cách thể hiện lòng biết ơn đối với anh hùng của dân tộc, vừa giáo dục các thế hệ sau về lòng biết ơn, tình yêu quê hương, đất nước” - ông Hùng nói.
Theo lãnh đạo xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết, công trình tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy là Di tích cấp quốc gia có giá trị di tích lịch sử tiêu biểu, niềm tự hào của người dân địa phương. Hằng năm, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Ngư Thủy tổ chức dọn dẹp, tổng dọn vệ sinh môi trường tại khu vực này. Theo thời gian và khí hậu miền biển khắc nghiệt, công trình bị xuống cấp, hư hỏng nhưng do là di tích lịch sử cấp quốc gia nên địa phương không có thẩm quyền tu sửa, khắc phục.
Liên quan đến sự việc này, ông Dương Văn Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, đã nắm được sự việc và cũng đã đi đến kiểm tra. Theo đó, Phòng cũng chỉ đạo xã định kỳ có bảo vệ, làm vệ sinh gắn với địa chỉ đỏ nhưng cũng quá lâu rồi nên một số hạng mục cũng bị xuống cấp như: Cổng bị rỉ sét, một số hàng rào bị nứt, tượng đài bằng đá bị rêu mốc mặt nền nhiều. Sắp tới, huyện sẽ có văn bản gửi Sở để đưa vào danh mục trùng tu, tôn tạo trùng tu.
Thiết nghĩ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình cần sớm có phương án tu sửa chống xuống cấp công trình tượng đài này.