Công trình văn hóa, thể thao hướng đến đa mục tiêu
Ngày 25-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đồng bộ, hiện đại và bản sắc. Hình thành cơ chế đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực có lợi thế, trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao; hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị ngoài các tiêu chí chung theo chuẩn khu vực, quốc tế thì cần phân tích, bổ sung các chuẩn mực, giá trị biểu tượng của văn hóa Việt Nam, chú trọng yếu tố bản sắc độc đáo vùng miền đối với các công trình văn hóa, thể thao. PGS-TS Vũ Đức Minh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), đề xuất cần đồng bộ, thống nhất với nội dung liên quan trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chuyên ngành quốc gia…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng quy hoạch phải tạo ra không gian rộng mở cho huy động nguồn lực trong xã hội, thay vì chỉ đề xuất các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị quy hoạch phải có phương án tính toán quy mô, cấp độ (quốc tế, quốc gia, vùng), tiêu chuẩn kỹ thuật, lộ trình, tiêu chí ưu tiên lựa chọn đầu tư các dự án, công trình văn hóa, thể thao gắn với điều kiện hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, bản sắc văn hóa, đời sống xã hội… ở các vùng, miền, địa phương. Việc sử dụng các công trình văn hóa, thể thao quốc gia hướng đến đa mục tiêu, từ các sự kiện quốc gia, quốc tế đến nhu cầu của nhân dân.
Phó Thủ tướng đề nghị phải có tư duy thiết kế rành mạch, rõ ràng, cùng cơ chế, chính sách đặc thù của lĩnh vực văn hóa, thể thao, có những công trình ở tầm quốc gia nhưng có thể do địa phương, xã hội hay tư nhân thực hiện.
"Các công trình văn hóa, thể thao phải trở thành biểu tượng của thế kỷ XXI, của một Việt Nam hội nhập và phát triển, là điểm nhấn, dấu ấn kiến trúc, văn hóa trường tồn, góp phần phát triển các ngành công nghiệp xanh như văn hóa, du lịch..." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.