Công trình xây dựng trái phép nhưng doanh nghiệp vẫn muốn bồi thường, hỗ trợ
Ngày 19/3, UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, liên quan vụ 28 ha đất ven biển Bãi Sau bị các doanh nghiệp du lịch sử dụng kinh doanh du lịch, xây dựng các công trình trái phép, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa đồng ý trả đất còn kiến nghị được đền bù cho các công trình.
Theo các doanh nghiệp, một số hạng mục tài sản có hồ sơ phê duyệt và quyết toán theo quy định, cần được bồi thường. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 3 đơn vị cung cấp hồ sơ cho cơ quan chức năng.
Đặc biệt nhiều doanh nghiệp có thêm kiến nghị. Cụ thể, Công ty TNHH Du lịch DIC (DIC Du lịch) chưa đồng tình với phương án thu hồi đất. Doanh nghiệp này còn mong muốn cho phép tiếp tục được hoạt động kinh doanh cho đến khi thành phố có yêu cầu bàn giao đất cho nhà đầu tư mới để xây dựng dự án theo chủ trương và cam kết thực hiện đầy đủ theo qui định của pháp luật về thuế, phí, đảm bảo an ninh trật tự...
Công ty OSC, Công ty Cổ phần Du lịch Khách sạn tháng 10 (Khách sạn tháng 10) Khách sạn Victory và DIC Du lịch đề nghị được bồi thường, hỗ trợ tài sản xây dựng không phép, vì họ cho rằng xây dựng để phục vụ kinh doanh tắm biển cho du khách và mong muốn không tính tiền thuê đất kể từ ngày 1/6/2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 phải dừng hoạt động.
Theo lãnh đạo thành phố Vũng Tàu, đến nay, tất cả các thủ tục cần thiết đã hoàn tất, từ việc kiểm đếm, xác định, thống kê tài sản, diện tích đến công tác lập phương án hỗ trợ, bồi thường. UBND thành phố Vũng Tàu đã có báo cáo, kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp trong tháng 3/2022; xem xét kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ làm cơ sở để UBND thành phố Vũng Tàu triển khai việc bồi thường, hỗ trợ cho các đơn vị và yêu cầu các đơn vị di dời, bàn giao mặt bằng cho thành phố triển khai dự án.
Như VOV đã thông tin, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã có kết luận chỉ ra những sai phạm trong quản lý, sử dụng hạ tầng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, năm 1996, UBND tỉnh này giao hơn 28 ha đất cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty Cổ phần Bất động sản và đầu tư VRC) làm chủ đầu tư xây dựng dự án bãi tắm Thùy Vân (Bãi Sau) theo hình thức cho thuê đất trong 50 năm. Doanh nghiệp phải trả tiền thuê gần 1,7 tỷ đồng mỗi năm.
Quá trình triển khai hợp đồng, chủ trương ban đầu của tỉnh là cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân, sau đó công ty nộp tiền thuê đất cho Nhà nước để thu hút đầu tư xây dựng. Nhưng trên thực tế, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị thứ phát thuê đất không nộp tiền. Công ty xây lắp và các doanh nghiệp thứ phát đã thuê, sử dụng đất gần 10 năm tại bãi Thùy Vân nhưng chưa ký hợp đồng thuê và không nộp tiền thuê đất.
Cơ quan thanh tra làm rõ giai đoạn 2006-2017, tổng số tiền 9 doanh nghiệp thuê đất phải thanh toán là 355,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị mới chỉ nộp hơn 46 tỷ đồng. Như vậy, số tiền nợ còn tồn đọng là hơn 309 tỷ đồng./.