Công ty Anh biến lông gà thành món ăn
Một công ty tại Anh đã triển khai dự án độc đáo biến lông gà thành protein có thể ăn được, nhằm giảm thiểu rác thải từ lĩnh vực chăn nuôi gia cầm.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 12/4 đưa tin công ty đã nảy ra sáng kiến mang tên Kera Protein, trong đó đã biến lông gà thành thịt giả thông qua quá trình thủy phân chuyên sâu gồm 13 bước.
Protein có nguồn gốc từ lông vũ có thể giúp giải quyết vấn đề đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp thực phẩm: chất thải dư thừa. Chỉ riêng ở Liên minh châu Âu (EU), mỗi năm có tới 3 triệu tấn lông gia cầm bị lãng phí. Chúng thường bị đốt hoặc đổ vào bãi rác.
Vào năm 2019, khi Sorawut Kittibanthorn, người sáng lập Kera Protein, còn là sinh viên trường Đại học Central Saint Martins, anh nhận thấy trong lông gà có chứa nhiều keratin – loại protein tạo nên tóc, da và móng. Kittibanthorn cho rằng keratin có thể chuyển đổi thành sản phẩm hữu ích.
Hiện nay, Kera Protein thu thập lông gà từ một trong trại địa phương. Sau đó, lông gà được làm sạch, nghiền thành bột và trộn với axit và keratinase - loại enzyme phá vỡ liên kết hóa học mạnh mẽ của keratin. Kera Protein đun nóng hỗn hợp này ở nhiệt độ vừa phải trong vòng 14 giờ rồi lọc và làm nguội nó.
Kittibanthorn cho biết sản phẩm cuối cùng là kết cấu dạng bột giống như collagen, vượt trội hơn các nguồn protein thông thường về cả dinh dưỡng và hương vị. Anh còn khẳng định rằng nó cũng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao tương tự như quả mọng.
Kittibanthorn chia sẻ rằng thức ăn làm từ lông gà không có hương vị đặc biệt. Thay vào đó, nó có xu hướng thấm hương vị các nguyên liệu cùng chế biến, do đó, tạo điều kiện để người nấu biến tấu mùi vị và kết cấu theo ý muốn.
Lông của một con gà đủ để tạo ra khoảng 190 gam protein. Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí sản xuất. Lông gà phải trải qua quá trình chiết xuất kéo dài 34 tiếng đồng hồ, vừa tốn thời gian vừa hao tổn về mặt kinh tế. Do đó, Kera Protein hiện chỉ hợp tác với một trang trại duy nhất, duy trì sản xuất ở quy mô khiêm tốn.
Kera Protein đang trong quá trình xin cấp Chứng nhận Novel Foods EU để sản phẩm của họ có thể bán hợp pháp ở quy mô lớn. Quá trình này dự kiến mất nhiều năm, mặc dù vẫn có ngoại lệ đối với một số đổi mới bền vững nhất định.