Công ty Cao su Chư Sê vươn ra biển lớn

Lựa chọn nơi dừng chân khi 'ra biển lớn' của Công ty Cao su Chư Sê trên vùng đất của tỉnh Kampong Thom là một lựa chọn đúng đắn, bởi vùng đất này đủ các yếu tố 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa'.

Từ Cao su Chư Sê đến Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom

Tôi về nhận việc ở huyện Chư Sê thì khi ấy Công ty Cao su Chư Sê đã sắp bước qua tuổi lên mười, nó vốn là “con đẻ” của một đoàn gần 20 người do anh Chín Ngừng (Hồ Văn Ngừng) từ miền Đông Nam Bộ “đổ bộ” lên đất Chư Sê theo quyết định số 71/QĐ-TCCB ngày 17-8-1984 của Tổng Cục cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam). Sau vài lần thực địa, tìm hiểu “làm quen” với cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty, tôi hiểu thêm ít nhiều về giá trị sản phẩm của loại “vàng trắng” này.

Ảnh: TCCS VN

Ảnh: TCCS VN

Và, một trong những nhiệm vụ của huyện khi ấy là, tiếp tục vận động bà con các dân tộc Bahnar, Jrai trên địa bàn cùng làm cao su, những vùng đất còn hoang hóa đưa vào quy hoạch trồng cao su, động viên bà con các làng có cây cao su của Công ty vào làm công nhân các nông trường. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, chuyện vận động người địa phương vào làm công nhân cao su không hề dễ chút nào. Khi đó anh Nguyễn Quốc Khánh là giám đốc Công ty, tuổi trẻ tài cao, năng động, chịu thương chịu khó lăn lộn với địa bàn, với các làng để vận động bà con ủng hộ chủ trương trồng cao su, mở rộng diện tích vườn cây, tất nhiên là theo quy hoạch của huyện, nhưng không khỏi đụng đến đất đai, rẫy nương, vườn tược của bà con, thế là “dân vận khéo” được phát huy. Nhiều chỗ khó, bà con chưa thông suốt, anh Khánh kịp thời báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo huyện, mời ngành chức năng của huyện cùng đứng ra tham gia giải quyết. Rất nhiều lần tôi theo chân anh Khánh đến tận nhiều làng ở xã Ia Ko, Ia Tiêm, Ia Glai, Ia Lốp... ăn cùng, ngủ cùng và cùng... say rượu cần với già làng, với bà con trong làng, nhiều khi thâu đêm suốt sáng với bao chuyện xưa chuyện nay, chuyện làm ăn và làm giàu từ cây cao su trong tương lai, thế là “dân vận” thành công.

Từ chỉ trên 3.200 ha cây đứng khi tôi về Chư Sê-năm 1993, dần dần Công ty cao su Chư Sê cho tới nay đã sở hữu trên 7.000 hec-ta, trừ diện tích đang thời kỳ xây dựng cơ bản và tái canh, hiện có gần 2.000 ha đang khai thác, năm 2023 sản lượng đạt 2.646 tấn mủ, vượt 11,2% so với kế hoạch; chế biến mủ đạt 4.393 tấn. Tổng doanh thu đạt trên 177 tỷ đồng. Một giai đoạn khá dài giá mủ cao su tuột dốc, Công ty gặp không ít khó khăn, tuy vậy Công ty đã mạnh dạn “vươn ra biển lớn”, với việc thành lập công ty Cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom (Vương quốc Cam Pu Chia) theo quyết định số 164/QĐ, ngày 15-7-2009 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 5900614851 ngày 22-7-2009.

Ảnh: TCCS VN

Ảnh: TCCS VN

Để có Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom đứng chân trên địa bàn huyện Stuong, tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia là cả một quá trình thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là sẽ đầu tư xây dựng 100.000 ha cao su trên đất bạn và sự nhanh nhạy nắm bắt chủ trương này, Công ty Cao su Chư Sê đã sớm cử đoàn cán bộ khoa học và kỹ thuật sang nước bạn khảo sát tìm địa điểm để trồng cao su. Sau bao nhiêu vất vả, khó khăn, cán bộ, nhân viên Công ty phải đương đầu với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, với “rừng thiên nước độc” nơi xứ người xa xôi, nào sốt rét đe dọa, muỗi, vắt hành hạ. Theo khảo sát thì vùng đất Stuong khá tốt, phù hợp với cây cao su. Phía chính quyền bạn nhanh chóng giúp Công ty sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý, và công cuộc “di thực” cây cao su đến vùng đất mới này bắt đầu với sự chăm chỉ, cố gắng vượt qua biết bao khó khăn, vất vả thuở ban đầu với, “Vạn sự khởi đầu nan, từ 5 anh em ban đầu, Công ty đã quy tụ hàng chục cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp kỹ sư nông học trong nước, một số anh em là người Campuchia tốt nghiệp các trường kinh tế tại Việt Nam, họ có kiến thức, có khát vọng, song còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Họ sống chung trong căn nhà thuê của người dân, thiếu thốn đủ bề, cách dự án 25 km, hàng ngày tỏa đi các phum, sóc vận động bà con Campuchia vào làm việc ở dự án với ý chí quyết tâm cao, triển khai tổ chức thực hiện bài bản, đầy sáng tạo, tâm huyết.

Làm giàu trên xứ sở Ang Kor

Rồi mọi việc cũng đâu vào đó, với sự nỗ lực của cả tập thể Công ty, giờ trong tay của Công ty đã có 16.268 ha cây cao su đứng trên 20.000 ha đất tự nhiên được phía bạn giao (trong đó có một phần trên địa bàn Siem Riep và Preah Vihear), 100% số diện tích cao su đứng đã đưa vào khai thác. Bất ngờ khi tôi được lãnh đạo Công ty cho hay, năng suất bình quân trên 1,7 tấn/ha mủ quy khô, sản lượng ước đạt gần 30.000 tấn (Năm 2023, Công ty được Tập đoàn giao kế hoạch sản lượng 27.300 tấn, thực hiện được 28.938 tấn, đạt 106%.), dẫn đầu toàn ngành cao su Việt Nam cho tới thời điểm này. Vốn đầu tư ban đầu hơn 2.900 tỷ VNĐ cho phát triển vườn cây và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và xã hội, trong đó có một nhà máy chế biến công suất lên đến 35.000 tấn/năm; dự kiến trong năm 2024 sẽ trả xong nợ vay, và luôn đảm bảo nộp ngân sách nhà nước hàng năm, năm cao nhất: 2023 là 35.966.739.390.

Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom đã vận động bà con nông dân ở địa phương bạn vào làm công nhân cho Công ty. Ảnh: TCCS VN

Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom đã vận động bà con nông dân ở địa phương bạn vào làm công nhân cho Công ty. Ảnh: TCCS VN

Phát huy truyền thống vốn có từ Công ty “mẹ” Công ty Cao su Chư Sê về “dân vận khéo”, Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom đã vận động bà con nông dân ở địa phương bạn vào làm công nhân cho Công ty. Đến nay, Công ty đã có trên 4.000 lao động được ký hợp đồng, có nghĩa là chừng ấy người lao động của tỉnh bạn có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng bình quân 8-10 triệu VNĐ/người. Mọi chế độ của người lao động được đảm bảo theo quy định của pháp luật nước bạn, nhất là tiền lương, bảo hiểm xã hội, y tế, nhà ở cho công nhân, sinh hoạt văn hóa thể thao... Những ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị-xã hội của nước bạn, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng yếu thế, người có thành tích trong lao động của địa phương và Công ty. Công nhân Cam Pu Chia được cấp nhà ở miễn phí, cấp gạo hàng tháng, được mua bảo hiểm và sử dụng hàng loạt dịch vụ tiện ích khi vào làm công nhân Công ty, 1.225 căn nhà nằm trên diện tích 47.300 m2, tổng trị giá lên đến 6,6 triệu USD dành cho công nhân người Cam Pu Chia. Con em của công nhân được đi học trong ngôi trường do Công ty xây dựng. Dòng nhựa trắng cao su mang lại cơ hội đổi đời và cuộc sống ấm no trên vùng đất trù phú cho bao người dân nghèo, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Ghi nhận những thành công trong sản xuất kinh doanh và công tác xã hội trên địa bàn của tỉnh bạn, Công ty đã được phía bạn đánh giá cao: “Công ty Cao su Chư Sê Kampong Thom đứng chân trên địa bàn tỉnh Kampong Thom đã tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho người dân, và đặc biệt đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chúng tôi mong rằng Công ty luôn quan tâm đến việc thu nhận người dân địa phương vào làm việc trong Công ty, góp phần giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt vùng quê vốn lâu nay còn khó khăn” (Tỉnh trưởng Out Sam On có lần đã từng nói vậy). Còn một trong những người lao động thì cho hay: “Cảm ơn lãnh đạo Công ty, các cán bộ và công nhân người Việt Nam đã tiếp nhận, đào tạo, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho chúng tôi hiểu biết về kỹ huật trồng, chăm sóc cây cao su, tạo việc làm và thu nhập ổn định...” (anh Hinl Rith). Và về phía Việt Nam, Công ty nhận được nhiều phần thưởng từ Nhà nước, Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp cao su... Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba, nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các cấp, ngành. Có lần, ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Ngành khen ngợi có được kết quả như hôm nay là: “...một kỳ tích của ngành cao su Việt Nam, bởi từ sự đổ mồ hôi, nước mắt của đội ngũ cán bộ, kỷ sư, công nhân trẻ và tâm huyết với cây cao su; tạo nên cuộc sống, môi trường, an sinh xã hội; tạo nên sự thay đổi bền vững bộ mặt nông thôn...”.

Kampong Thom “đất lành chim đậu”

Kampong Thom là tỉnh lớn vào hàng thứ hai của Campuchia theo diện tích. Thủ phủ của tỉnh có tên là Kampong Thom, một đô thị đẹp như tranh vẽ bên bờ sông Stung Sen. Kompong Thom là một thủ đô rất hùng mạnh ở Đông Nam Á trong thời kỳ Phù Nam. Sau đó, trong thời kỳ cai trị của Pháp, tỉnh này là nơi sinh sống của một nhóm người khá lớn có tên là Stieng, nhưng họ đã đồng hóa từ lâu vào xã hội Khmer. Kampong Pos Thom là tên “gốc”, còn hiện tại được gọi là Kampong Thom. Bởi vì theo truyền thuyết, từ xa xưa ở bến sông Sen, bên cạnh một hồ nước tự nhiên, có một hang động lớn có một cặp “rắn thần” ở bên trong. Người dân sống xung quanh khu vực này thường nhìn thấy những cụ rắn này xuất hiện vào mỗi dịp lễ Phật giáo.

Ảnh: TCCS VN

Ảnh: TCCS VN

Thời gian sau đó, những cụ rắn biến mất, và người dân trong vùng gọi nơi này là Kampong Pos Thom. Sau này gọi gọn lại chỉ còn những từ ngắn gọn là Kampong Thom như ngày nay. Trong thời kỳ Pháp thuộc, ở Campuchia người Pháp đã cai trị và chia lãnh thổ Campuchia thành các tỉnh, và đặt tên theo cách nói của người dân là Tỉnh Kampong Thom. Thủ phủ của tỉnh Kampong Thom là một đô thị nhộn nhịp khác nằm trên bờ sông Stung Sen, ở vị trí chiến lược trên Quốc lộ số 6 giữa Phnom Penh và Siem Reap. Đây là điểm dừng chân để nghỉ ngơi sau chặng đường dài lái xe hoặc thưởng thức một món ăn nào đó trên đường đến hoặc đi Siem Reap, Phnom Penh. Đến nơi này, mọi người còn để khám phá kinh đô Sambor Prei Kuk của Chân Lạp thời tiền Angkor, các ngôi đền xa xôi Preah Khan và Prasat Preah Vihear. Kampong Thom là một tỉnh nằm ở trung tâm của Vương quốc Campuchia. Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên tương đương với Gia Lai của chúng ta là 15.061 km2, cho đến thời điểm này có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 81 xã với 737 làng, gần 900.000 dân. Giáp với Preah Vihear và Siem Reap ở phía Bắc, với Kratie ở phía Đông, Kampong Cham ở phía Nam và với Kampong Chhnang ở phía Tây.

Kampong Thom là tỉnh có mạng lưới đường bộ rất phát triển, nối Phnom Penh (165 km) và Siem Reap (150 km) với quốc lộ 6, và Quốc lộ 64 riêng biệt đến tỉnh Preah Vihear với khoảng cách 126 km. Sau khi xây được nhà nước Campuchia đầu tư xây dựng lại, con đường đất trước đây đã xuống cấp trở thành một trong những con đường tốt nhất trong cả nước. Lựa chọn nơi dừng chân khi “ra biển lớn” của Công ty Cao su Chư Sê trên vùng đất của tỉnh Kampong Thom là một lựa chọn đúng đắn, bởi như nói trên vùng đất này đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Có những lần chúng tôi tháp tùng với lãnh đạo tỉnh Gia Lai đến thăm Công ty Cao su Chư Sê Campong Thom, được anh Nguyễn Duy Linh, bấy giờ là Tổng Giám đốc chỉ dẫn, thăm các nông trường, tổ đội sản xuất của Công ty, vui mừng biết bao khi tận mắt chứng kiến vườn cây bạt ngàn xanh tốt, người lao động địa phương cần cù chăm chỉ trong công việc chăm sóc vườn cây, cạo mủ, chế biến thành phẩm trong không khí lao động hăng say và đoàn kết giữa công nhân người Việt và người Campuchia, những cán bộ quản lý người địa phương với tinh thần “cầu nối” và trách nhiệm luôn gắn bó và chỉ dẫn tận tình cho công nhân trong giờ làm cũng như trong cuộc sống mới ở môi trường mới. Được biết, Tổng Giám đốc mới, người kế nhiệm anh Nguyễn Duy Linh- anh Nguyễn Tiến Dũng, là một cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, rất năng động, sáng tạo, nhiệt tình và có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành của ngành cao su Gia Lai, sẽ đưa doanh nghiệp của mình giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng của Công ty “mẹ” Chư Sê trên vùng đất mới Kampong Thom!

ĐOÀN MINH PHỤNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cong-ty-cao-su-chu-se-vuon-ra-bien-lon-post289385.html