Bắc Giang: Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng sản phẩm OCOP
Nhằm giúp hội viên nông dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập, thời gian qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản phẩm OCOP.
Gắn sao cho sản phẩm
Thực hiện Đề án “HND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025”, năm 2024, HND tỉnh đã lựa chọn 18 sản phẩm để tư vấn, hướng dẫn công nhận OCOP. Sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong Đồng Hưu của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đại Phát Lộc, xã Đồng Hưu (Yên Thế) là một trong số đó.
Những năm gần đây, phong trào nuôi hươu sao trên địa bàn xã Đồng Hưu phát triển mạnh mẽ. HND xã coi đây là sản phẩm chủ lực giúp người dân vươn lên làm giàu song quy mô chăn nuôi chưa lớn, sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi. Vì thế, năm 2024, HND xã đã đăng ký hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể gắn sao cho sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong.
Theo ông Đỗ Chí Toản, Giám đốc HTX, nhung hươu và mật ong đều có lợi cho sức khỏe nhưng để kết hợp tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có thương hiệu cần bảo đảm một số điều kiện cao hơn về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp… Nhằm đạt mục tiêu đề ra, HTX đã phát huy nội lực, quyết tâm cao, đặc biệt có sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn của HND từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung hỗ trợ gồm lên ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất; thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn mác; hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng, hồ sơ sở hữu trí tuệ; truyền tải câu chuyện sản phẩm hấp dẫn… Vừa qua, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Yên Thế đã chấm điểm sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong đạt OCOP 3 sao. Sau khi được phân hạng, HND huyện, xã quan tâm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội nghị kết nối cung-cầu, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Giai đoạn 2022-2023, HND các cấp hướng dẫn, xây dựng mới 62 sản phẩm OCOP; duy trì, củng số 40 sản phẩm đã được phân hạng. Năm 2024, HND các cấp tiếp tục lựa chọn 18 sản phẩm để hướng dẫn, tư vấn công nhận OCOP.
Xác định rõ vai trò nòng cốt của nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP, HND các cấp thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về ý nghĩa của việc gắn sao và nâng sao cho sản phẩm để hội viên chủ động tham gia; phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất; hướng dẫn tìm hiểu bộ tiêu chí chấm điểm; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu...
Quá trình thực hiện, cán bộ hội, nhất là cấp cơ sở càng sâu sát, quan tâm tới việc triển khai Đề án thì càng có nhiều hội viên nông dân tham gia với những sản phẩm chất lượng. Ông La Văn Trọng, Chủ tịch HND xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) cho hay, với phương châm sâu sát, đồng hành với hội viên, cán bộ HND xã Thái Sơn thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân quan tâm tham gia Chương trình OCOP; giám sát tiến độ thực hiện; kịp thời nắm bắt khó khăn để tháo gỡ, trong đó khó nhất là hoàn thiện các giấy tờ như: Giấy kiểm định chất lượng, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm...
Đây cũng là cách làm ở các địa phương khác. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp HND, sự chủ động của mỗi chủ thể nên sau khi cơ quan chuyên môn hoàn thành việc đánh giá đợt 1 năm 2024, toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm do HND các cấp hướng dẫn, tư vấn đạt OCOP 3 sao. Đơn cử như: Chè lam bà Dỹ-Tân Mỹ (TP Bắc Giang); măng tây Yên Dũng-Tiến Dũng (Yên Dũng); dầu vừng Cường Nhung-An Thượng (Yên Thế)...
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết, cán bộ HND các cấp thường xuyên bám nắm tình hình phát triển kinh tế của địa phương nhằm phát hiện, lựa chọn sản phẩm có tiềm lực, thế mạnh để hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP. Khi tư vấn, hỗ trợ các chủ thể, cán bộ hội tập trung hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng, nâng cao một số yếu tố cốt lõi của sản phẩm như chất lượng, đặc điểm, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu, khả năng tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, để sản phẩm OCOP ngày càng tăng về chất và lượng, tổ chức hội còn quan tâm tuyên truyền, vận động thành lập, phát triển tổ hợp tác, HTX. Đây là xu hướng sản xuất tất yếu, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, là động lực phát triển các sản phẩm OCOP. Từ năm 2018 đến nay, HND các cấp đã hướng dẫn thành lập hơn 140 HTX, gần 400 tổ hợp tác. Nhìn chung, các mô hình kinh tế tập thể đều hoạt động hiệu quả, chủ thể quan tâm tham gia Chương trình OCOP, biết phát huy thế mạnh của sản phẩm khi được gắn sao.
HTX Dịch vụ tổng hợp Quyết Thắng, xã Xương Lâm (Lạng Giang) được HND xã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập từ năm 2022. Năm 2023, HTX có sản phẩm thịt chưng mắm tép đạt OCOP 3 sao. Ban đầu, đơn vị sản xuất quy mô nhỏ. Sau khi sản phẩm có thương hiệu, HTX mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nồi nấu tự đảo để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bà Dương Thị Lệ, Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ duy trì tốt chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ nên chúng tôi bảo đảm được số lượng lớn sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ từ 100-150 hộp thịt chưng mắm tép (loại 500 gam/hộp), giá bán 150 nghìn đồng/hộp, nhiều hơn thời điểm chưa được công nhận OCOP từ 70-100 hộp/ngày, có thời điểm sản xuất không kịp các đơn hàng. Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch xây dựng, mở rộng xưởng, đầu tư thêm máy móc, công nghệ mới. Vì thế, HTX mong muốn được HND hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại”.
Thời gian tới, HND các cấp tiếp tục khuyến khích nông dân phát triển kinh tế tập thể trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quan điểm đồng hành, sát cánh, tiến tới để nông dân làm chủ và thành thạo các bước. Cùng đó, lựa chọn, phê duyệt cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ; tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bài, ảnh: Mạc Yến