Công ty chứng khoán vào cuộc đua tăng vốn mới
Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán đang dần nóng hơn khi hàng loạt công ty từ lớn đến nhỏ như SSI, HSC, VNDirect, ORS, LPBS đang triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông.
Trong 2 tháng cuối năm, hàng loạt công ty chứng khoán từ lớn đến nhỏ công bố thông tin liên quan đến việc tăng vốn, có đơn vị đã nhận được giấy phép phát hành, có đơn vị cần bổ sung thêm và cũng có trường hợp mới ở giai đoạn xin ý kiến cổ đông.
Chứng khoán HSC (mã: HCM) vừa nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng do UBCKNN cấp ngày 8/12. Theo đó, công ty sẽ phát hành tổng cộng 297,2 triệu cổ phiếu, bao gồm 228 triệu chào bán cho cổ đông và 68,6 triệu trả cổ tức. Nếu thành công, doanh nghiệp sẽ tăng vốn lên 6.866 tỷ đồng.
Với phương án chào bán cho cổ đông, giá phát hành 10.000 đồng/cp. Công ty muốn thu về 2.286 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ (1.786 tỷ đồng), hoạt động tự doanh (500 tỷ đồng).
Chứng khoán Tiên Phong (mã: ORS) công bố nghị quyết HĐQT ngày 22/11 phê duyệt bổ sung chi tiết liên quan đến triển khai phương án bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Công ty triển khai kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp từ tháng 5. ORS kỳ vọng thu được 1.000 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh, đầu tư vốn và hoạt động khác. Thời điểm giải ngân trong năm 2024 phù hợp với kế hoạch kinh doanh từng thời điểm.
Vào tháng 8, Chứng khoán VNDirect (mã: VND) thông báo triển khai kế hoạch chào bán 244 triệu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp và phát hành 61 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Nếu hoàn thành, công ty sẽ tăng vốn lên 15.223 tỷ đồng.
“Anh cả” ngành – Công ty Chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng không nằm ngoài làn sóng khi đang triển khai lấy ý kiến cổ đông phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông và phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, công ty sẽ phát hành tối đa 302 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được thưởng thêm 20 cổ phiếu mới). Đồng thời, công ty chào bán tối đa 151 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10% cho cổ đông giá 15.000 đồng/cp. Mục tiêu huy động 2.265 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay giao dịch ký quỹ.
Sau phát hành, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên 19.645 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện 2023 – 2024 hoặc thời hạn khác theo quyết định của HĐQT.
Đồng thời, công ty dự kiến sau khi thực hiện chào bán cho cổ đông sẽ phát hành tiếp 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Giá không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân của 10 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày HĐQT duyệt phương án chi tiết.
Công ty chứng khoán LPBank (LPBS) tiến hành họp ĐHCĐ bất thường để trình kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng, giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Đồng thời, các ngân hàng cũng đang rục rịch đổ tiền vào kênh chứng khoán qua tăng thêm vốn cho công ty chứng khoán thành viên hay mua công ty quản lý quỹ.
Ngân hàng ACB (mã: ACB) vừa rót 1.000 tỷ đồng để giúp Chứng khoán ACB (ACBS) tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn là bước đi cần thiết để ACBS mở rộng quy mô và tăng vị thế công ty trong ngành chứng khoán.
Ông Nguyễn Đức Hoàn – Tổng Giám đốc công ty cho biết việc tăng vốn giúp ACBS tiếp cận được đa dạng các nguồn vốn đến từ ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, công ty có nguồn bổ sung mảng giao dịch ký quỹ, giúp phục vụ tốt hơn trong bối cảnh nhà đầu tư càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) sẽ mua lại Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với số tiền tối đa 125 tỷ đồng. Kế hoạch đã được NHNN chấp thuận vào ngày 22/11.
Động thái của các ngân hàng và công ty chứng khoán diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là đứng trước cơ hội lớn. Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN thể hiện quyết tâm nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trước 2025. Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước sang trang mới, thu hút lượng vốn lớn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ các quỹ đầu tư chủ động và quỹ chỉ số (ETF). VinaCapital ước tính dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào TTCK có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, bổ trợ cho thị trường còn đến từ việc lãi suất tiết kiệm về mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh, kết quả kinh doanh doanh nghiệp đang dần tích cực hơn và Fed phát đi tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh.