Công ty cổ phần Chứng khoán DSC: Suy giảm niềm tin vào cổ đông lớn
Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (mã DSC) thông qua kế hoạch tăng vốn gấp đôi, nhưng cổ đông lớn không muốn thực hiện quyền mua thêm cổ phiếu và chuyển nhượng cho bên thứ ba bất thành.
Cổ đông lớn không muốn thực hiện quyền mua cổ phiếu
Với quy mô vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán DSC được biết đến là một công ty chứng khoán có quy mô vốn nhỏ so với các công ty lớn như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect, chứng khoán VPS, Chứng khoán VPBank... Với tham vọng bổ sung quy mô vốn và thu hẹp khoảng cách với các công ty chứng khoán trong ngành, Chứng khoán DSC đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên 2.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Chứng khoán DSC thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng 49% số tiền huy động được, tương ứng 490 tỷ đồng để bổ sung dòng tiền cho vay ký quỹ (margin); 49,5% tổng số tiền (495 tỷ đồng) để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh; và 1,5% được sử dụng vào các mục đích như bổ sung vốn nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vốn cho việc cung cấp dịch vụ, bổ sung vốn cho các hoạt động hợp pháp khác.
Tuy nhiên, quá trình phát hành phát đi tín hiệu không tích cực khi cổ đông lớn không muốn thực hiện quyền và Chứng khoán DSC phải kéo dài thời gian đăng ký mua và nộp tiền từ ngày 7/6 - 28/6 sang từ ngày 7/6 đến 30/6. Đồng thời, Công ty cổ phần Đầu tư NTP (cổ đông lớn sở hữu 70% vốn điều lệ của Chứng khoán DSC) đăng ký bán toàn bộ quyền mua thêm 70 triệu cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng ngày 21/6/2023, đã thông báo không bán được 70 triệu quyền mua cổ phiếu do chưa đạt được thỏa thuận về giá với các bên nhận chuyển nhượng.
Được biết, cơ cấu cổ đông của Chứng khoán DSC khá cô đặc. Trong đó, tính tới cuối năm 2022, Công ty có hai cổ đông lớn gồm Công ty cổ phần Đầu tư NTP và cổ đông Văn Lê Hằng (sở hữu 10,025% vốn điều lệ), còn lại 19,975% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Như vậy, với việc nắm cổ phần chi phối, Đầu tư NTP chính là cổ đông lớn nhất quyết định về việc thông qua phương án tăng vốn, cũng như là nhóm cổ đông lớn đang điều hành Công ty. Tuy nhiên, sau khi triển khai phương án tăng vốn, Đầu tư NTP lại không muốn thực hiện quyền mua cổ phiếu, bán quyền cho đơn vị khác nhưng không thành công, đồng thời tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện quyền.
Việc Đầu tư NTP muốn bán quyền mua cổ phiếu cho đơn vị khác có thể được xem là động thái không muốn bỏ thêm tiền vào Chứng khoán DSC, đồng thời phát đi thông điệp cổ đông lớn không muốn góp vốn vào doanh nghiệp. Trong khi đó, cổ đông nhỏ không điều hành doanh nghiệp sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng về cam kết gắn bó của Ban lãnh đạo và cổ đông lớn tại Chứng khoán DSC.
Đẩy mạnh tự doanh sau khi về tay Đầu tư NTP
Chứng khoán DSC tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng. Cuối năm 2020, Công ty đổi chủ khi cổ đông lớn là Công ty cổ phần Việt Nam Equity và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) thoái vốn. Thay vào đó là 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Chứng khoán DSC, đồng thời là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Đầu tư NTP; ông Tạ Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Thu Hà mua vào.
Đồng thời, đầu năm 2021, Chứng khoán DSC thay đổi Chủ tịch từ ông Nguyễn Phú Đông Hà sang ông Nguyễn Đức Anh; thay đổi Tổng giám đốc từ ông Nguyễn Vũ Thành sang bà Nguyễn Thị Bích Hà (hiện tại là ông Bạch Quốc Vinh); đồng thời miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Văn Bá Hưng, Lê Văn Trung, Nguyễn Vũ Thành, Nguyễn Ngọc Quang… để bầu thành viên thay thế.
Tháng 3/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Chứng khoán Đà Nẵng thông qua việc đổi tên thành Chứng khoán DSC, đồng thời chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building (số 80 - Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Đến tháng 8/2021, Chứng khoán DSC phát hành thành công 94 triệu cổ phiếu, tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và Đầu tư NTP chính thức sở hữu tới 70% vốn điều lệ và chi phối tại Chứng khoán DSC.
Sau khi về tay nhóm Đầu tư NTP, cơ cấu EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao) theo mảng kinh doanh của Chứng khoán DSC có sự phân hóa. Trong đó, hoạt động tự doanh và hoạt động khác đóng góp trọng yếu vào lợi nhuận của Công ty, ngược lại hoạt động môi giới liên tục thua lỗ. Danh mục tự doanh chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu chưa niêm yết, tiền gửi tại ngân hàng…
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Chứng khoán DSC là 2.856,9 tỷ đồng. Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 1.561,9 tỷ đồng, chiếm 54,7% tổng tài sản; các khoản cho vay ghi nhận 964 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng tài sản; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) ghi nhận 223,5 tỷ đồng, chiếm 7,8% tổng tài sản…
Như vậy, sau khi về tay nhóm Đầu tư NTP, Chứng khoán DSC đẩy mạnh hoạt động tự doanh, nhưng trong thị trường biến động không ổn định, hoạt động này được dự báo là thách thức lớn, có thể kéo lùi kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán, đặc biệt là Chứng khoán DSC đang nắm giữ 154,7 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết.