Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương: Giữ đúng cam kết với người trồng mía

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng đường kính không tiêu thụ được nhưng Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đang tập trung chi trả hết tiền thu mua mía nguyên liệu cho người trồng mía theo đúng cam kết.

Thời điểm này, cán bộ Phòng Nguyên liệu của Nhà máy Đường Tuyên Quang tại xã Bình Xa (Hàm Yên) cùng với cán bộ nông vụ đi đến từng xã để chi trả tiền mía đợt cuối cho bà con nông dân. Bà Phạm Thị An, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa vừa nhận được tiền bán mía phấn khởi cho biết, 90 tấn mía bán cho Nhà máy hồi tháng 3, gia đình đã nhận đủ về 72 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, đốn chặt lãi 50 triệu đồng.

Tại xã Trung Yên (Sơn Dương) nhiều hộ trồng mía cũng đã nhận được tiền chi trả của Nhà máy Đường Sơn Dương. Anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu cho biết, niên vụ 2019 - 2020, gia đình thu 350 tấn mía cây, với giá thu mua của nhà máy 800 nghìn đồng/tấn, anh đã nhận đủ số tiền 280 triệu đồng.

Gia đình bà Phạm Thị An, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) chăm sóc mía nguyên liệu.

Gia đình bà Phạm Thị An, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) chăm sóc mía nguyên liệu.

Anh Nguyễn Ngọc Sỹ, cán bộ nông vụ Nhà máy Đường Sơn Dương phụ trách xã Trung Yên cho biết, xã có 200 hộ dân liên kết trồng mía nguyên liệu, đến giữa tháng 6 nhà máy đã chi trả được 2 đợt cho bà con. Hiện chỉ còn một số ít hộ có diện tích mía thu hoạch vào cuối vụ là chưa chi trả được, cam kết của nhà máy sẽ chi trả sớm nhất có thể để người trồng mía yên tâm đầu tư, chăm sóc, giữ ổn định diện tích mía.

Đến 1-7, công ty đã thực hiện chi trả 103 tỷ đồng cho 7.800 hộ liên kết trồng mía nguyên liệu niên vụ 2019 - 2020. Trong đó, Nhà máy Đường Tuyên Quang chi trả được 56 tỷ đồng, cho 7.000 hộ; Nhà máy Đường Sơn Dương chi trả được 47 tỷ đồng cho 800 hộ. Hiện còn khoảng 34 tỷ đồng tiền mía nguyên liệu thu hoạch thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 là chưa được thanh toán cho người dân, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa và một số xã của huyện Hàm Yên.

Đẩy nhanh tiến độ thanh toán, UBND huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và Sơn Dương đã làm việc với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tìm các giải pháp về tài chính bảo đảm chi trả hết tiền mía cho bà con trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện để người trồng mía yên tâm đầu tư, sản xuất. Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, tháng 4 - 5 vừa qua do tác động của dịch bệnh Covid-19, đường sản xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến công ty chậm thanh toán tiền cho bà con. Hiện tại, dù còn nhiều khó khăn, song công ty cam kết hoàn tất việc chi trả tiền mía nguyên liệu niên vụ 2019 - 2020 cho bà con xong trước 30-7. Công ty cam kết chi trả đúng, đủ, đồng thời tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân đầu tư chăm sóc mía. Đến giữa tháng 6, công ty đã tái đầu tư cho các hộ trồng mía 22,7 tỷ đồng, trong đó, đầu tư phân bón 17,5 tỷ đồng; đầu tư thuốc bảo vệ thực vật 1,5 tỷ đồng... Công ty cũng thực hiệu điều chỉnh mua giá mía nguyên liệu lên 850 nghìn đồng/tấn cho niên vụ 2020 - 2021, tăng 50 nghìn đồng/tấn so với niên vụ 2019 - 2020.

Thời điểm hiện tại, ngành mía đường vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Để từng bước vực dậy sản xuất, kinh doanh, công ty rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự sẻ chia của người trồng mía trong việc tập trung chăm sóc, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng, từ đó giảm giá thành sản phẩm, giữ ổn định vùng mía nguyên liệu của tỉnh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/cong-ty-co-phan-mia-duong-son-duong-giu-dung-cam-ket-voi-nguoi-trong-mia-134279.html