Công ty con Gỗ Trường Thành muốn vay 27 tỷ đồng tại Agribank
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF – sàn HoSE) cho phép Công ty con vay vốn tại Ngân hàng và dùng bất động sản làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Cụ thể, Gỗ Trường Thành thông qua việc vay vốn ngắn hạn của Công ty TNHH MTV Sứ Thiên Thanh tại Ngân hàng Agribank – chi nhánh Bình Dương với tổng số tiền 27 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh sản phẩm gốm sứ khác với thời gian tối đa 8 tháng.
Trong đó, tài sản đảm bảo là tài sản gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T313457 do UBND tỉnh Bình Dương cấp 24/10/2001, số vào sổ cấp GCN là 1538/QSDĐ/2001 và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do UBND tỉnh Bình Dương cấp ngày 9/12/2008.
Và đồng thời, Gỗ Trường Thành cũng đồng ý giữ lại lợi nhuận sau thuế của Công ty TNHH MTV Sứ Thiên Thanh.
Theo tìm hiểu, tính tới 30/9/2022, Gỗ Trường Thành sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Sứ Thiên Thanh, đơn vị có địa chỉ tại Bình Dương và hoạt động chính là sản xuất đồ sứ.
Công ty TNHH MTV Sứ Thiên Thanh được thành lập năm 1950, được cổ phần hóa năm 2006 và sáp nhập vào Gỗ Trường Thành năm 2019 sau khi ông Mai Hữu Tín tiếp quản. Công ty giới thiệu thị trường tiêu thụ là trong nước, xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Nhật, Nga và một số nước châu Âu.
Một cá nhân “cắt lỗ” 59% sau 1 năm chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành
Ông Bùi Hồng Minh vừa bán ra 30.934.237 cổ phiếu TTF để giảm sở hữu từ 9,86% về còn 2,33% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 4/1/2023. Như vậy, sau giao dịch, ông Bùi Hồng Minh không còn là cổ đông lớn tại Gỗ Trường Thành.
Điểm đáng lưu ý, trong phiên giao dịch ngày 4/1, cổ phiếu TTF bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận 30.934.237 cổ phiếu với tổng giá trị 126 tỷ đồng, ước tính giá cổ phiếu trung bình là 4.080 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nhiều khả năng ông Bùi Hồng Minh đã thực hiện bán thỏa thuận với giá trung bình 4.080 đồng/cổ phiếu.
Được biết, ngày 10/12/2021, Gỗ Trường Thành thực hiện phát hành 40.534.237 cổ phiếu TTF cho ông Bùi Hồng Minh để hoán đổi 405,34 tỷ đồng nợ vay (bao gồm 362,85 tỷ đồng nợ gốc và 42,5 tỷ đồng lãi vay) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, đây là cổ phiếu ưu đãi cổ tức với lợi tức là 6,5%/năm kèm theo quyền yêu cầu nhóm Công ty mua lại sau 5 năm nắm giữ.
Đến ngày 10/1/2022, HĐQT Gỗ Trường Thành đã thông qua việc chuyển đổi 40.534.237 cổ phiếu ưu đãi của ông Bùi Hồng Minh thành cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Như vậy, giá gốc cổ phiếu của ông Bùi Hồng Minh dự kiến từ thời điểm chuyển đổi tới hiện tại là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Với việc từ thời điểm cuối năm 2021 tới nay, Gỗ Trường Thành chưa chia cổ tức, ông Bùi Hồng Minh tạm lỗ 59,2%, tương ứng lỗ 183,13 tỷ đồng khi bán ra hơn 30,9 triệu cổ phiếu TTF sau 1 năm chuyển đổi.
Cổ phiếu TTF giảm 74,9% từ đỉnh, Chủ tịch Mai Hữu Tín không mua hết lượng đăng ký do diễn biến thị trường không thuận lợi
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành chỉ mua được 5,26 triệu cổ phiếu trong tổng 10 triệu cổ phiếu đã đăng ký, tương ứng tỷ lệ mua thành công là 52,6% để nâng sở hữu từ 0% lên 1,28% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 28/11 đến ngày 21/12.
Lý do được ông Mai Hữu Tín đưa ra do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Điểm đáng lưu ý, từ ngày 29/3/2022 đến ngày 15/11/2022, cổ phiếu TTF giảm 82% từ 17.200 đồng về 3.100 đồng/cổ phiếu và sau đó hồi phục, tính tới ngày 23/12/2022, cổ phiếu TTF giao dịch vùng 4.320 đồng/cổ phiếu, tức tăng 39,4% so với đáy ngày 15/11/2022 nhưng vẫn giảm 74,9% so với đỉnh ngày 29/3/2022.
Theo tìm hiểu, ông Mai Hữu Tín sinh ngày 27/8/1969, trình độ Tiến sỹ Quản trị kinh doanh và được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành từ ngày 10/6/2019 tới nay. Ngoài ra, ông cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại Công ty cổ phần Đầu tư U&I.
Theo dữ liệu từ khi trở thành Chủ tịch HĐQT tại Gỗ Trường Thành tới nay, ông Mai Hữu Tín chưa mua vào cổ phiếu TTF và đây là lần đầu tiên kể từ khi tiếp quản Gỗ Trường Thành.
Ở một diễn biến khác, bà Đinh Thị Kim Dung vừa mua vào 30.765.763 cổ phiếu TTF để nâng sở hữu từ 1,65% lên 9,14% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 19/12.
Như vậy, sau giao dịch, bà Đinh Thị Kim Dung trở thành cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành.
Ngoài ra, ông Võ Quốc Lợi, thành viên HĐQT đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu từ 0,85% lên 1,1%, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/12/2022 đến ngày 27/1/2023.
Gỗ Trường Thành thoát lỗ quý III nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác
Trong quý III/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 356,89 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2,71 tỷ đồng, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,5% về còn 20,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 0,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,53 tỷ đồng về 73,16 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 9,6%, tương ứng giảm 0,93 tỷ đồng về 8,76 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 33,1%, tương ứng giảm 9,83 tỷ đồng về 19,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 20,5%, tương ứng tăng thêm 10,36 tỷ đồng lên 61,01 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 5,45 tỷ đồng lên 4,13 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 1,32 tỷ đồng); và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 7,74 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,68 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận cốt lõi âm, Công ty thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 8,76 tỷ đồng và lợi nhuận khác là 4,13 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu tài chính, chủ yếu 7,06 tỷ đồng là lãi chênh lệch tỷ giá; 1,7 tỷ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay. Trong khi đó, Công ty không thuyết minh cơ cấu lợi nhuận khác trong báo cáo quý III.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 1.516,22 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7,21 tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù ghi nhận lãi trong 9 tháng đầu năm nhưng tới 30/9/2022, tổng lỗ lũy kế vẫn lên tới 3.039,4 tỷ đồng, bằng 73,9% vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/1, cổ phiếu TTF giảm 60 đồng, về 4.300 đồng/cổ phiếu.