Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Giữ vững thương hiệu TISCO
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được thành lập đầu tháng 6-1959, tiền thân là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, thép và cán thép.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1-1958), nhằm xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội, ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ra Quyết định thành lập Công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên và chỉ định Ban Chỉ huy Công trường do đồng chí Đinh Đức Thiện, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp làm Trưởng Ban.
Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công, với tinh thần lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sáng 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của Lò cao số 1 Khu Gang thép Thái Nguyên đã ra lò. Đây là mốc son đánh dấu quá trình khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo của hơn 2,2 vạn cán bộ, người lao động trên toàn Công trường. Và ngày này hằng năm trở thành Ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên.
Các kỹ sư bàn phương án hoàn thành xây dựng hạng mục Lò gió nóng (Phân xưởng Lò cao) để chuẩn bị cho ra lò mẻ gang đầu tiên.
Ngay sau khi thành lập và xây dựng, giai đoạn (1959-1963) cũng như giai đoạn 1964-1975, các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân luôn khắc sâu và làm theo lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên ngày 1/1/1964: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như thế”.
Đội ngũ người lao động tích cực, hăng say xây dựng Nhà máy Luyện thép, sớm đưa dây chuyền sản xuất thép vào hoạt động.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ năm 1976 đến trước Đại hội VI của Đảng, Khu Gang thép lại hừng hực khí thế, bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất. Đặc biệt, giai đoạn 1986-2005, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã nhanh chóng tiếp cận, vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới. Trong đó, tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại và đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, từ tháng 7-2009, Công ty chính thức chuyển sang hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo mô hình công ty cổ phần, trong đó vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 65%. Do có nhiều cố gắng thích ứng với cơ chế quản lý mới, các sản phẩm thép mang thương hiệu TISCO đã giành được nhiều giải thưởng trong nước, như: Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao vàng đất Việt, Thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng, Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, Ngôi sao Quốc tế về quản lý chất lượng ISLQ... Các sản phẩm thép TISCO đã thâm nhập vào các thị trường quốc tế như Canada, Singapore, Indonesia... và được lựa chọn sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia, như: Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, tòa nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Từ năm 2020 đến nay, Công ty thực hiện nhiệm vụ SXKD trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt từ giữa năm 2022 trở lại đây tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do xung đột Nga - Ukraina và nhiều khu vực khác. Ở trong nước, thị trường thép xây dựng diễn biến ảm đạm, nhu cầu ở mức thấp do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng tạm hoãn hoặc dừng thi công; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; thị trường thép cung vượt cầu...
Trước tình hình đó, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp điều hành hoạt động SXKD, tổ chức thực hiện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và điều kiện thực tế. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng sản lượng thép cán sản xuất của Công ty đạt 615.298 tấn, bằng 101% so với kế hoạch năm; tiêu thụ 610.406 tấn, bằng 100% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 12.738 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước trên 214 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch; bảo đảm việc làm ổn định cho gần 3.400 lao động với mức lương bình quân trên 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Dây chuyền sản xuất phôi thép cán tại Nhà máy Luyện thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).
Trong năm 2024, Trước diễn biến tình hình thị trường gặp bất lợi, Công ty tập trung chỉ đạo bám sát thị trường, thực hiện nguyên tắc mua đuổi bán đuổi; cân đối nguyên liệu và tổ chức sản xuất chặt chẽ từng tháng, đảm bảo tồn kho nguyên liệu, vật tư ở mức hợp lý; đồng thời, tập trung các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm tồn kho và tận dụng tối đa các lợi thế của Công ty để có hiệu quả tốt nhất trong SXKD, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, một số chỉ tiêu chủ yếu SXKD của Công ty đạt và vượt so với kế hoạch. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, giá giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.747 tỷ đồng, bằng 29% so với kế hoạch năm; quặng sắt khai thác đạt 60.563 tấn, bằng 26%kế hoạch; thép cán sản xuất đạt 179.778 tấn, bằng 28% kế hoạch; bảo đảm việc làm cho trên 3.300 lao động với mức lương bình quân trên 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm cao, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong SXKD năm 2024 và những năm tới. Trong đó, đẩy nhanh các hạng mục đầu tư trong SXKD, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Thép Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên... tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án giai đoạn 2...
Để thực hiện mục tiêu này, Công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại lao động, tinh gọn bộ máy. Tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tham gia có trách nhiệm các phong trào của địa phương, làm tốt các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.