Công ty khởi nghiệp do Boeing hậu thuẫn giới thiệu taxi bay tiềm năng
Công ty khởi nghiệp taxi hàng không Wisk Aero công bố máy bay thế hệ thứ 6, một UAV chở khách bốn chỗ ngồi chạy hoàn toàn bằng điện, được coi là ứng viên eVTOL tự hành được FAA chứng nhận .
Doanh nghiệp khởi nghiệp do Boeing hậu thuẫn cho biết sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ để vận chuyển hành khách như một phần của dịch vụ taxi hàng không thương mại.
Wisk, thành lập vào năm 2019 với tư cách là một liên doanh giữa Boeing và Kitty Hawk, công ty taxi bay do người đồng sáng lập Google Larry Page đã đóng cửa gần đây, đang trong cuộc chạy đua để trở thành công ty vận chuyển hàng không tiên tiến đầu tiên được FAA bật đèn xanh để thử nghiệm chở khách. Wisk tuyên bố, máy bay thế hệ thứ 6 là ứng viên cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) đầu tiên cho giấy chứng nhận kiểu loại.
Giấy chứng nhận kiểu loại biểu thị khả năng bay của một loại máy bay cụ thể, theo yêu cầu thiết kế chế tạo. Giấy chứng nhận kiểu loại xác nhận máy bay thuộc loại mới được thiết kế để sản xuất hàng loạt, tuân thủ các yêu cầu về khả năng bay hiện hành do luật hàng không quốc gia thiết lập.
Theo quy định của FAA, các công ty hàng không cần nhận được ba loại chứng nhận trước khi triển khai dịch vụ thương mại. Chứng nhận kiểu loại có nghĩa là máy bay đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn thiết kế và an toàn của FAA; chứng nhận sản xuất là sự chấp thuận bắt đầu sản xuất máy bay; chứng nhận hãng hàng không có nghĩa là công ty có thể chính thức kinh doanh dịch vụ taxi hàng không thương mại.
Máy bay của Wisk có 12 rotor cánh quạt chạy bằng điện, 6 rotor cánh quạt phía trước, mỗi rotor có 5 cánh có thể xoay nghiêng theo chiều ngang hoặc chiều dọc cũng như 6 rotor cánh quạt phía sau, mỗi rotor 2 cánh cố định ở vị trí thẳng đứng. Công ty cho biết máy bay có tốc độ bay 120 hải lý/giờ, tầm bay 90 dặm (140 km) với trữ lượng pin đầy đủ và có thể bay ở độ cao 2.500–4.000 feet (700 m -1200 m) so với mặt đất.
Wisk đặt mục tiêu trong tương lai sẽ cung cấp dịch vụ taxi bay liên tỉnh, được gọi bằng một ứng dụng tương tự như Uber hoặc Lyft. Máy bay được thiết kế là phương tiện không người lái và hoàn toàn điều khiển tự động với sự giám sát của người phi công từ xa. Theo lý thuyết, máy bay sẽ cất cánh và hạ cánh từ các vertiports (các sân bay trên nóc những tòa nhà cao tầng).
Công ty Wisk Aero hy vọng sẽ ra mắt dịch vụ taxi hàng không trong vòng 5 năm tới. Tại thời điểm đó, doanh nghiệp dự đoán sẽ thực hiện 14 triệu chuyến bay mỗi năm trên khoảng 20 thị trường toàn cầu.
Taxi hàng không, đôi khi bị gọi nhầm là "ô tô bay", về cơ bản là trực thăng không sử dụng động cơ xả thải khí gây ô nhiễm và tiếng ồn lớn (mặc dù các cánh quạt sẽ gây tiếng ồn riêng). Ngoài Wisk, các công ty như Joby Aviation, Volocopter, Ehang và Archer cũng tuyên bố đang chuẩn bị triển khai các dịch vụ taxi bay và cuối cùng sẽ mở rộng trên quy mô toàn quốc.
Các doanh nghiệp taxi bay thu hút được tài trợ từ một số công ty thành lập như Hyundai, Toyota, Airbus, Boeing, Bell và Uber. Các nhà phân tích dự đoán thị trường taxi bay có thể đạt doanh thu 150 tỷ USD vào năm 2035.
Hiện vẫn còn những trở ngại nghiêm trọng cho các máy bay chạy điện thực hiện dịch vụ bay thương mại. Tỷ lệ công suất trên trọng lượng là một thách thức rất lớn đối với các taxi bay điện. Mật độ năng lượng - lượng năng lượng được lưu trữ trong một hệ thống pin là thước đo quan trọng và các loại pin hiện nay không chứa đủ năng lượng để đưa các máy bay lên khỏi mặt đất. Để so sánh, nhiên liệu máy bay cung cấp năng lượng nhiều hơn khoảng 43 lần so với một tổ hợp pin nặng tương đương.
Đã có rất nhiều cuộc trình diễn về những máy bay chạy bằng pin, nhưng không có máy bay điện nào được đưa vào hoạt động thương mại trên thế giới.