Công ty phân phối xe Wuling tại Việt Nam - Ô tô TMT lỗ kỷ lục trong năm 2024

CTCP Ô tô TMT lỗ 122,8 tỷ đồng trong năm 2024. Tổng lỗ lũy kế đã lên tới 315,4 tỷ đồng. Năm 2024 cũng là năm công ty thua lỗ lớn nhất kể từ khi thành lập đến nay.

Hoạt động kinh doanh chịu áp lực lớn

CTCP Ô tô TMT đã ghi nhận kết quả kinh doanh đáng thất vọng trong năm 2024 khi lỗ lũy kế đạt 315,4 tỷ đồng, đánh dấu mức thua lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Trong quý IV/2024, công ty đạt doanh thu 649,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm nghiêm trọng, báo lỗ 122,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 0,2 tỷ đồng.

 Nhà phân phối xe điện Wuling, Ô tô TMT thua lỗ kỷ lục trong năm 2024 (Ảnh TL)

Nhà phân phối xe điện Wuling, Ô tô TMT thua lỗ kỷ lục trong năm 2024 (Ảnh TL)

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tiêu cực là việc bán hàng dưới giá vốn, khiến lợi nhuận gộp âm 42 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức âm 18,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh tới 99,7%, chỉ đạt 0,2 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm nhẹ xuống còn 32,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng 28,8%, lên 44,7 tỷ đồng, tạo thêm áp lực lớn đối với lợi nhuận.

Cả năm 2024, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu 2.324,4 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 38,6 tỷ đồng, công ty đã không hoàn thành kế hoạch khi kết thúc năm với khoản lỗ lớn, xóa sạch toàn bộ lợi nhuận tích lũy từ nhiều năm trước.

Dù công ty đã mở rộng sang mảng xe điện, với việc phân phối dòng Wuling HongGuang Mini EV từ tháng 9/2023, nhưng tình hình kinh doanh vẫn không cải thiện đáng kể. Mặc dù có tham vọng tiêu thụ 5.000 xe điện mỗi năm, sự gia tăng doanh số từ mảng này chưa đủ để bù đắp khoản lỗ khổng lồ trong hoạt động kinh doanh truyền thống.

Tài sản và nguồn vốn gặp khó khăn nghiêm trọng

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Ô tô TMT giảm mạnh 32,4% so với đầu năm, chỉ còn 1.465,7 tỷ đồng. Trong đó, lượng hàng tồn kho chiếm 33,2% tổng tài sản, tương đương 487 tỷ đồng. Tài sản cố định ghi nhận 284,6 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn đạt 287,3 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tài sản. Điều này phản ánh tình trạng giảm sút quy mô tài sản, ảnh hưởng đến khả năng vận hành của doanh nghiệp.

Nguồn vốn của công ty cũng đang chịu áp lực lớn, khi tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 627,4 tỷ đồng, cao hơn 5 lần so với vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng vọt từ 290,7% đầu năm lên 511,7% vào cuối năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn đạt 441,6 tỷ đồng, còn nợ vay dài hạn là 185,8 tỷ đồng, khiến áp lực trả nợ của doanh nghiệp ngày càng gia tăng.

Bất chấp tình hình tài chính khó khăn, cổ phiếu TMT đã có giai đoạn tăng mạnh vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025, với mức tăng gần 58% trong khoảng thời gian từ 24/12/2024 đến 3/2/2025. Tuy nhiên, xu hướng này có dấu hiệu đảo chiều khi cổ phiếu đạt đỉnh vào ngày 8/1/2025 và sau đó bắt đầu điều chỉnh. Trong phiên giao dịch sáng ngày 4/2/2024, mã TMT tiếp tục giảm sàn, chỉ còn 10.350 đồng/cổ phiếu.

Ngô Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-ty-phan-phoi-xe-wuling-tai-viet-nam--o-to-tmt-lo-ky-luc-trong-nam-2024-post332884.html