Công ty tài chính tiêu dùng thừa tiền, muốn đầu tư cũng khó
Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động cho vay của các công ty tài chính gần như không tăng trưởng so với cuối năm ngoái, nhưng không thể mang đi đầu tư vào các giấy tờ có giá vì Ngân hàng Nhà nước không cấp phép, dẫn tới giảm hiệu quả hoạt động.
Hôm nay (29/10), Hiệp hội ngân hàng sơ kết hoạt động 9 tháng của nhóm công ty tài chính. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60 - 70% tổng tăng trưởng kinh tế, nhưng trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên của Hiệp hội ngân hàng đạt 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính, trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là Fe Credit (10.928 tỷ đồng).
Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên (ngoại trừ Công ty tài chính Handico (HAFIC) đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt và Công ty tài chính bưu điện PTFinance chưa cung cấp số liệu) tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020.
Mặc dù vốn và tài sản tăng, nhưng do hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính ở Việt Nam đã bắt đầu “ngấm đòn” đại dịch Covid-19 nên tổng dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm nay của khối công ty tài chính gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020, đạt 129.000 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng chậm lại này đến từ nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa tiêu dùng như điện thoại, điện lạnh, xe máy sụt giảm, trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi đó, người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương – chính là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid -19 giảm vay tiền mặt và thẻ tín dụng nên doanh số giải ngân và thu nợ của các công ty tài chính suy giảm.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 chỉ khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Từ những khó khăn trên, nhiều công ty tài chính đã có giải pháp, lộ trình để xử lý nợ xấu, trong đó biện pháp tốt nhất được cho là nâng cao năng lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ, thoái vốn. Điển hình một số thương vụ thoái vốn tiêu biểu trong thời gian qua có thể kể đến như VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho SMBC Group hay như SHB bán 100% vốn tại SHB Finance cho Krungsri...
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, hiện một số công ty tài chính sau khi thoái vốn thì nguồn tiền khi tiếp nhận, chuyển đổi không thể sử dụng được vào việc cho vay do đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).
Hay như nhiều quy định gây khó khăn cho việc xử lý, phân loại nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng gặp lúng túng vì các vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp lý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa đưa ra cơ chế phân loại rõ ràng về cho vay tiêu dùng và vay phục vụ đời sống.
Chẳng hạn, quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay; Quy định về điểm giới thiệu dịch vụ làm hạn chế kênh tiếp cận khách hàng; Quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, quy định nội bộ (nhắc nợ, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay) chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng và mức độ rủi ro của khách hàng…
Hơn nữa, room tín dụng mà NHNN cấp cho các công ty tài chính quá thấp làm hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính do nhu cầu của khách hàng vay tăng lên nhất là sau dịch Covid-19 và chưa phù hợp với đề án đã được Thống đốc phê duyệt.
"Nhiều công ty tài chính tăng trưởng tín dụng âm trong quý III/2021, thừa vốn song không thể mang đi đầu tư vào các giấy tờ có giá vì NHNN không cấp phép, dẫn tới giảm hiệu quả hoạt động", ông Hùng cho hay.
Từ những bất cập trên, các công ty tài chính tiêu dùng đề xuất NHNN xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) đối với các công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ các công ty trong công tác cung ứng vốn cho người dân phục hồi việc kinh doanh hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Các công ty tài chính cũng đề nghị NHNN tháo gỡ các vướng mắc, bất cập liên quan đến Thông tư 43 như: xem xét tỷ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, theo trung bình các công ty tài chính tiêu dùng, phù hợp đặc thù ngành.
Đồng thời, điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân để hạn chế họ tìm đến “tín dụng đen” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19, song nhiều công ty tài chính vẫn tích cực hỗ trợ khách hàng. Trong những tháng đầu năm 2021, Fe Credit đã có tới 400 nghìn khoản vay, trị giá khoảng 2 nghìn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Với Lotte Finance, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng. Công ty SHB Finance hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng...