Công ty Thủy điện Sơn La: Sức sáng tạo nơi núi rừng Tây Bắc
Nơi nào có lao động, nơi đó có sáng tạo. Công ty Thủy điện Sơn La là một đơn vị có lực lượng lao động trẻ, đầy nhiệt huyết, giầu sức sáng tạo và cảm hứng cống hiến cho sự phát triển lớn mạnh của ngành Điện và đất nước.
Từ khi thành lập đến nay, 2 nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu của Công ty cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Đến ngày 11/10/2020, Công ty Thủy điện Sơn La đã cán mốc sản lượng phát điện 100 tỷ kWh.
Nói Công ty Thủy điện Sơn La là cái nôi của sáng tạo cũng không có gì là quá. Tất cả các sáng kiến cải tiến đều bắt nguồn từ trong lao động. Từ năm 2014 đến nay, Công ty có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế.
Gần đây nhất là nhóm tác giả Đỗ Việt Bách (Quản đốc Phân xưởng Vận hành Lai Châu) đã bắt tay với nhau viết phần mềm “Nghiên cứu nghiệm đặc tính công suất của máy phát SF400-66/16470 Nhà máy thủy điện Sơn La với bản vẽ nhà thầu cung cấp. Viết phần mềm vẽ đặc tính công suất của các nhà máy đồng bộ cực lồi”. Nhờ phần mềm này, các trưởng ca nhà máy đã chủ động đưa ra các giải pháp vận hành khi nào cần giảm tải, tăng tải với thông số phù hợp, góp phần tăng ổn định tổ máy và hiệu quả kinh tế cho nhà máy...
Đây là một phần mềm rất ưu việt, hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyên môn sâu của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Về kỹ thuật, giải pháp đã giúp tối ưu hóa chế độ vận hành, tra cứu, đào tạo, khảo sát năng lực điều chỉnh công suất của tất cả các máy phát trên hệ thống điện với thông số kỹ thuật khác nhau (thay thế hoàn toàn giải pháp cũ là đọc bản vẽ nhà chế tạo cung cấp với tạo độ không chính xác và chỉ có 03 khoảng giá trị điện áp.
Về kinh tế, phần mềm của nhóm tác giả đã tích hợp với dữ liệu nhập tùy chọn, áp dụng được cho tất cả các máy phát điện trên hệ thống, có khả năng mang lại hiệu quả lớn, đối với Công ty Thủy điện Sơn La áp dụng cho NMTĐ Sơn La và Lai Châu, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Phần mềm hiện được 02 Phân xưởng vận hành Công ty Thủy điện Sơn La sử dụng từ năm 2015 trong sản xuất thực tiễn và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thật không có gì tuyệt vời hơn khi mà tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 7 năm 2020, sáng kiến này đã được Ban tổ chức trao giải Nhất!
Ngoài ra, không thể không kể đến là bộ ba sáng kiến “Tối ưu hóa lập lịch trực ca vận hành Công ty Thủy điện Sơn La”, “Kết nối giám sát an toàn đập các nhà máy thủy điện nhỏ” và “Giải pháp nâng cấp hệ thống hội ghị truyền hình kế nối đa nền tảng của Công ty Thủy điện Sơn La” đã được trao đồng giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La năm 2020. Nhóm tác giả đoạt giải thưởng này là những tên tuổi vừa lạ vừa quen, có những người luôn có mặt trong mọi cuộc thi sáng tạo kỹ thuật từ trước đến nay của Công ty Thủy điện Sơn La, song bên cạnh đó là những người lần đầu tham dự.
Khi các “sếp” dốc tâm vào mảng sáng tạo cải tiến công nghệ thì điều này có nghĩa là họ dù đã chuyển sang làm lãnh đạo song niềm say mê làm chuyên môn vẫn còn nguyên vẹn. Đối với một đơn vị mà hoạt động nghiêng mạnh về ứng dụng thực tiễn như Thủy điện Sơn La thì điều này thực sự có ý nghĩa. Nhưng không chỉ có vậy, ở Công ty Thủy điện Sơn La, truyền thống này được kế thừa và phát huy rất mạnh mẽ. Điều này được thể hiện khi tên tuổi của những người trẻ lần đầu được xướng lên trên bục vinh danh. Đó là cảm xúc vui sướng, tự hào thật không dễ nói thành lời.
Ở góc độ Tập đoàn cũng vậy, năng lực và sức sáng tạo của những con người vùng Tây Bắc từ lâu đã luôn được các lãnh đạo đánh giá cao. Trong năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trao giấy chứng nhận cho ba sáng kiến gồm “Bổ sung chức năng giám sát hoạt động khai thác sử dụng tài ngyên nước hồ thủy điện Lai Châu theo Thông tư 47 Bộ Tài nguyên và Môi trường”, “Cải tiến trụ đỡ séc măng ổ đỡ, khắc phục tình trạng hư hỏng màng tự lựa ổ đỡ Nhà máy Thủy điện Sơn La và Nhà máy thủy điện Lai Châu”; “Tối ưu hóa công tác tổ chức vận hành, áp dụng công nghệ thông tin kiểm tra, đánh giá nhanh an toàn đập, hồ chứa sau khi xảy ra động đất”.
Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các kỹ sư đã góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và tiết kiệm chi phí đáng kể. Bằng cách này hay cách khác, dưới một vị trí này hay vị trí khác, những người lao động của Thủy điện Sơn La vẫn miệt mài hăng say ngày đêm nghiên cứu để tìm ra những giải pháp tối ưu hóa trên từng công việc mà họ vẫn hằng gắn bó.
Nhờ Thủy điện Sơn La mà người ta thêm yêu vùng Tây Bắc. Hay là vì nằm trọng trong lòng Tây Bắc mà Thủy điện Sơn La được cả nước luôn hướng về? Thật khó có thể tách bạch được thứ cảm xúc đan xen này. Chỉ biết rằng, sức sáng tạo và cảm hứng lao động, cống hiến của đất và người nơi đây đã tổng hòa thành một sức mạnh khiến cho ai cũng cảm thấy đất nước luôn rực rỡ những mùa xuân!