Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên: Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão

Dù chỉ mới bước vào đầu mùa mưa bão nhưng mực nước tại nhiều hồ chứa lớn trên địa bàn đã ở ngưỡng cao, phải xả tràn. Để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ đập; kịp thời phát hiện, xử lý sớm những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra, tránh những thảm họa với người dân ở vùng hạ lưu.

Hiện, các hồ đập do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên quản lý đều được gia cố, sửa chữa, vận hành ổn định

Hiện, các hồ đập do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên quản lý đều được gia cố, sửa chữa, vận hành ổn định

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2022, tình hình thời tiết, thiên tai sẽ diễn biến hết sức phức tạp, dị thường, khốc liệt và khó dự đoán hơn những năm trước.

Thực tế, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao những ngày cuối tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại trạm đo Vĩnh Yên mưa 3 ngày max là 509 mm, cao nhất kể từ năm 1978 đến nay, cao hơn cả đợt mưa lũ lịch sử năm 2008 (mưa 3 ngày max năm 2008 là 497,5mm). Mưa lớn đã làm mực nước tại một số sông, hồ dâng cao, nhiều hồ chứa lớn phải xả tràn.

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã triển khai, kích hoạt các phương án PCTT&TKCN tại tất cả các hồ chứa được giao quản lý.

Tăng cường kiểm tra, tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, mực nước dâng tại các hồ đập...; kịp thời phát hiện, xử lý sớm những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Công ty đặc biệt chú trọng đến phương án ứng phó thiên tai hồ chứa nước Đại Lải, bởi hồ Đại Lải là hệ thống hồ chứa liên hồ gồm các hồ Đại Lải, Thanh Cao và Đồng Câu được xây dựng từ những năm 1959-1960.

Ngoài việc có nhiệm vụ cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…, hồ còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cắt lũ, giảm úng cục bộ cho vùng hạ lưu. Hơn nữa, 10 năm trở lại đây, diễn biến lũ và việc điều tiết hồ Đại Lải không còn theo quy luật, mỗi năm đều phải tiến hành xả lũ nhiều lần.

Ông Tô Đình Phong, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cho biết: Để công tác ứng phó thiên tai hồ chứa nước Đại Lải năm 2022 và những năm sau được tốt hơn, công ty đã xây dựng phương án, các tình huống cụ thể như khi công trình bị sự cố kẹt cửa van xả lũ, mất điện khi đang vận hành; công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo ANTT, ATGT khi mưa lũ vượt tần suất thiết kế cũng như khi xả lũ...

Đợt mưa lũ cuối tháng 5 vừa qua khi mực nước đạt cao trình +21.08m, hồ Đại Lải đã phải xả tràn từ ngày 24 - 26/5 để đảm bảo an toàn hồ và tiếp tục đón lũ.

Trong quá trình xả tràn hồ Đại Lải, công ty tuân thủ phương án PCTT&TKCN đã được duyệt; phối hợp triển khai lực lượng chốt chặn tại các ngầm, tràn qua đường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện giao thông trong thời gian điều tiết.

Thông báo cho các địa phương vùng hạ du đập (vùng ảnh hưởng) về tình hình điều tiết xả nước hồ để các địa phương có phương án phòng tránh ngập úng và lập các chốt canh gác tại các ngầm, tràn bị ngập, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ lưu.

Năm 2022, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã kiện toàn Ban chỉ huy, xây dựng phương án PCTT&TKCN tại tất cả các hồ đập được giao quản lý, phân công cán bộ thường trực 24/24h trong mùa mưa bão; chuẩn bị vật tư đảm bảo công tác phòng, chống, xử lý, ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ: Nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư kỹ thuật tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Cùng đó, công ty tổ chức kiểm tra các hồ đập, tiến hành gia cố khắc phục, sửa chữa những hạng mục xuống cấp, mức độ đảm bảo an toàn thấp. Bảo dưỡng, sửa chữa các cống, máy đóng mở, sơn kẻ lại cột thủy trí tại các vị trí cống và cho vận hành thử; nạo vét rãnh thoát nước tại các điểm bồi lấp dưới chân đập. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, người dân về kỹ năng phòng, tránh, ứng phó với thiên tai.

Hiện, các hồ đập do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên quản lý đều được gia cố, sửa chữa, vận hành ổn định.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ với cường độ lớn cộng với quá trình xây dựng, khai thác sử dụng đã lâu, nhiều hồ chứa lớn trên địa bàn Phúc Yên đang bộc lộ những bất cập và một số tồn tại như hồ không có tràn sự cố nên khi có lũ vượt tần suất thiết kế sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tiết lũ; tràn xả lũ chưa có hệ thống quan trắc tự động; tình trạng hàng quán vi phạm hành lang công trình thủy lợi vẫn xảy ra…

Để các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn phát huy hiệu quả cắt lũ, giảm úng cục bộ vùng hạ lưu, phục vụ tốt tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân cũng như phát triển dịch vụ du lịch, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã kiến nghị UBND tỉnh, UBND thành phố Phúc Yên quan tâm xem xét bố trí kinh phí nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ đập, làm đường gom chân đập, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, nạo vét các lòng hồ…

Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giải phóng các đăng đó, lưới chắn cá ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ; các địa phương ở hạ lưu hồ xây dựng phương án di dân, cứu hộ khi hồ xảy ra sự cố. Đồng thời, tuân thủ quy trình điều tiết ở các hồ, đập và điều hành của công ty.

Bài, ảnh: Trần Tỉnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78297/cong-ty-tnhh-mtv-thuy-loi-phuc-yen-dam-bao-an-toan-ho-dap-mua-mua-bao.html