Công ty Xây dựng & Thương mại Thành Trung: Vươn xa từ Ninh Bình tới An Giang

Phát triển lớn mạnh, nhà thầu địa phương Ninh Bình - Công ty Thành Trung vươn xa tới các mảnh đất giàu tiềm năng như An Giang, Sóc Trăng... để lại nhiều dấu ấn.

Hành trình rực rỡ

Nhìn lại hành trình gây dựng một công ty ban đầu chỉ vài thành viên trở thành một nhà thầu thi công uy tín trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam với hàng trăm nhân sự vào thời điểm hiện tại, nhiều người không khỏi thán phục tài trí và sự am hiểu tường tận của giới chủ Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung (viết tắt là Công ty Thành Trung) về thị trường, cũng như sự nhạy bén trong tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Những người đặt nền móng cho nhà thầu hôm nay, cũng chính là những vị thuyền trưởng đã chèo lái "con tàu" mang tên Thành Trung đến bến bờ thành công, đến đỉnh cao mới rực rỡ, là ông Lê Anh Tú - Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và bà Nguyễn Thị Xuyến - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hai người chủ của doanh nghiệp chia nhau nắm lần lượt 40% và 60% cổ phần Công ty Thành Trung, trong số vốn điều lệ 250 tỷ đồng, tính đến thời điểm hiện tại.

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung thành lập tháng 8/2022, ông Lê Anh Tú làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và bà Nguyễn Thị Xuyến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. (Ảnh minh họa)

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung thành lập tháng 8/2022, ông Lê Anh Tú làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và bà Nguyễn Thị Xuyến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. (Ảnh minh họa)

Công ty Thành Trung ra đời vào một ngày tháng 8 năm 2002, là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 với mục tiêu quan trọng nhất là đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tăng cường nguồn lực con người, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế... để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều đó có nghĩa, giai đoạn khởi nghiệp của Công ty Thành Trung tồn tại những khó khăn nhất định, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực năm 1997 vẫn để lại ít nhiều dư chấn, nhưng cũng mang lại thời cơ lớn cho nhà thầu trước một nền kinh tế mở cửa, chuẩn bị cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Không bỏ lỡ cơ hội, từ một cơ sở kín tiếng ở Ninh Bình, giờ đây, Công ty Thành Trung đã phát triển lớn mạnh và tạo lập được nhiều mối quan hệ "khủng" giúp họ có thể tiếp tục "bỏ túi" những hợp đồng làm ăn béo bở, sánh vai cùng các "ông lớn" trên thị trường xây dựng - hạ tầng như Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Tập đoàn Phúc Lộc hay Tập đoàn Xuân Trường... để rong ruổi làm dự án từ Bắc chí Nam.

"Kép phụ" xuất chúng

Năm 2015, Công ty Thành Trung bắt tay với nhà thầu đồng hương - Tập đoàn Phúc Lộc của doanh nhân Lương Minh Trường lập liên danh, trúng gói thầu: "Thi công cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29 và Km40 - Km66" trị giá hơn 315 tỷ đồng từ Ban Quản lý dự án giao thông Lạng Sơn. Đây là sự kiện quan trọng nâng cao tên tuổi cho Công ty Thành Trung, bởi việc làm đối tác tin cậy của Phúc Lộc - tập đoàn xây dựng tầm cỡ đất Ninh Bình có số vốn hàng ngàn tỷ đồng, giúp củng cố uy tín, niềm tin mà cộng đồng doanh nghiệp dành cho Công ty Thành Trung.

Nhờ đó, đến tháng 7/2018, Công ty Thành Trung dẫn đầu Liên danh 5 nhà thầu (bao gồm: Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức An, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng B&V, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1)) tiến vào thị trường An Giang, vượt qua các đối thủ nặng ký khác dành lấy gói thầu số 8: "Gói thầu hỗn hợp EC hạng mục đường giao thông (đoạn Km0+000 ÷ Km15+760), cầu Kênh Mặc Cần Dưng, cầu Kênh Ba Thê và 2 nút giao với ĐT.941 và ĐT.943".

Gói thầu sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được đấu thầu rộng rãi trong nước, có giá dự toán 617.078.379.000 đồng (trên 617 tỷ đồng). Đặc biệt, giá trúng thầu của Liên danh Công ty Thành Trung cũng không xê dịch 1 đồng nào so với giá tối đa mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang với tư cách là chủ đầu tư/bên mời thầu công bố.

Ông Nguyễn Văn Du - Giám đốc Ban quản lý ký ban hành Quyết định số 752 ngày 31/7/2018 giao Liên danh Công ty Thành Trung làm gói thầu số 8 trị giá 617 tỷ đồng. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Nguyễn Văn Du - Giám đốc Ban quản lý ký ban hành Quyết định số 752 ngày 31/7/2018 giao Liên danh Công ty Thành Trung làm gói thầu số 8 trị giá 617 tỷ đồng. (Ảnh chụp màn hình)

Dư luận khi ấy xôn xao vì chính quyền An Giang làm chưa tốt nhiệm vụ tiết giảm ngân sách nhà nước và tránh gây lãng phí, nhưng khen ngợi khả năng thương thảo quá giỏi của các nhà thầu, mà chiếm "spotlight" ở đây là bộ đôi đại gia Lê Anh Tú - Nguyễn Thị Xuyến.

Sự tương tác qua lại giữa Công ty Thành Trung và chính quyền An Giang ngày một mạnh mẽ hơn sau dấu mốc này. Chẳng những vậy, An Giang được ví như quê hương thứ hai của nhà thầu Ninh Bình, bởi đa phần các dự án, công trình đắt giá nhất mà họ được nhận đều xuất phát từ vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đơn cử ngay tháng 9/2018, Liên danh của Công ty Thành Trung tiếp tục trúng gói thầu hỗn hợp EC từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá hơn 167 tỷ đồng; tháng 5/2020 trúng thêm gói xây lắp 227,8 tỷ đồng tại Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang.

Tháng 5 - 6/2022, Công ty Thành Trung trúng liền tay 2 gói thầu thi công công trình hạ tầng giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, trong đó giá trị từng gói là hơn 108,5 tỷ đồng (gói thầu số 21) và 508,6 tỷ đồng (gói thầu số 27).

Gói thầu số 27 "Thi công các hạng mục công trình chính từ Km 0+000 đến Km 7+000" là đáng chú ý hơn cả, với sự hiện diện của Tập đoàn Thuận An trong vai trò kép chính, bên cạnh kép phụ Thành Trung. “Cặp bài trùng” Thuận An - Thành Trung còn gây sốc khi thuyết phục được chủ đầu tư phê duyệt giá trúng thầu lên tới 508.660.860.000 đồng (trên 508,6 tỷ đồng), trong khi giá gói thầu là 508.684.130.000 đồng, có sự chênh lệch giảm nhưng không đáng kể, chỉ hơn 23 triệu đồng tương đương hệ số giảm giá 0,0004%.

Nên biết, người ký Quyết định số 1445 ngày 8/6/2022 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 27 là Giám đốc Ban quản lý - ông Nguyễn Văn Du. Tình cờ rằng, ông Nguyễn Văn Du cũng chính là lãnh đạo ký ban hành Quyết định số 752 ngày 31/7/2018 giao Liên danh Công ty Thành Trung làm gói thầu số 8 trị giá 617 tỷ đồng, đã đề cập phía trên.

Ông Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi lễ trao quyết định đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vào ngày 15/1/2024. (Ảnh: Angiang.gov.vn)

Ông Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi lễ trao quyết định đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vào ngày 15/1/2024. (Ảnh: Angiang.gov.vn)

Những chi tiết này buộc dư luận dấy lên câu hỏi, việc Công ty Thành Trung liên tiếp trúng thầu cả ngàn tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm "có cũng như không" ở cơ quan do ông Nguyễn Văn Du làm Giám đốc là vô tình, hay hữu ý? Trách nhiệm của UBND tỉnh An Giang khi đó dưới thời Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình ra sao trước tình trạng "xả láng" ngân sách nhà nước như vậy? Thậm chí, vấn đề chất lượng các dự án mà Công ty Thành Trung tham gia cũng là chủ đề dư luận quan tâm, vì đó là các công trình trọng điểm, có sức ảnh hưởng lan tỏa đối với nền kinh tế địa phương và khu vực lân cận.

Tuy nhiên, đáp lại sự mong mỏi của chính quyền An Giang, Công ty Thành Trung từng nhiều lần bị nhắc nhở do vi phạm tiến độ thi công. Ví dụ tại gói thầu số 21 trị giá hơn 108 tỷ đồng phê duyệt hồi tháng 5/2022, nhà thầu của đại gia Lê Anh Tú liên tiếp chậm tiến độ, khối lượng công việc "thụt lùi" so với kế hoạch nêu trong hợp đồng.

Trong một văn bản công bố tháng 10/2022, chủ đầu tư cho biết từ khi gói thầu được khởi công, Công ty Thành Trung đã bố trí nhân sự chủ chốt như: giám sát kỹ thuật chất lượng thi công, kỹ sư vật liệu kỹ thuật… chưa đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; các đoạn đường đã bàn giao mặt bằng, đủ điều kiện triển khai thi công ngay hạng mục đắp cát nền đường, vậy nhưng, nhà thầu không bố trí tập kết vật tư cát đắp nền đường để triển khai thi công. Sự việc này nói lên những vấn đề cần giải quyết trong cách điều hành của Công ty Thành Trung.

Lùi về xa hơn, tháng 6/2021, Công ty Thành Trung còn bị UBND tỉnh Gia Lai xử phạt hành chính vì đã vi phạm về khai thác khoáng sản, khai thác đất làm vật liệu xây dựng mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Các xe tải chở đất "chui" của Công ty Thành Trung lúc này được tập kết đến điểm thi công công trình TL 665 (Gia Lai). Trước đó, tháng 2/2021, nhà thầu đất Ninh Bình được chọn làm đơn vị thực hiện gói thầu "Xây lắp đường tỉnh 665 đoạn Km0+00-Km40+00m" hơn 173 tỷ đồng thuộc dự án "Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án tỉnh Gia Lai".

Lợi nhuận mỏng

Những gói thầu lớn từ An Giang đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới của Công ty Thành Trung. Năm 2018, doanh thu nhà thầu theo đó tăng 52% so với cùng kỳ, đạt 356,3 tỷ đồng; giai đoạn 2019 - 2020 tăng tiếp lên 383 tỷ đồng và lập kỷ lục 568,3 tỷ đồng, trước khi đảo chiều giảm về 441,4 tỷ đồng và 362,5 tỷ đồng ở các năm 2021 - 2022.

Doanh thu tăng giảm với biên độ rộng, song, lợi nhuận ròng được ban lãnh đạo Công ty Thành Trung kiểm soát trong ngưỡng "ổn định", thường xuyên mấp mé thua lỗ từ vài triệu đồng tới trăm triệu đồng. Tính bình quân trong 6 năm gần đây (2017 - 2022), tổng doanh thu của họ đạt gần 2.400 tỷ đồng, nhưng với khả năng chuyển đổi sang lợi nhuận cực hạn chế, tổng lãi ròng công bố lên cơ quan chức năng chỉ... chưa đầy 500 triệu đồng.

Nói cách khác, tỷ lệ sinh lợi trên doanh thu chỉ 0,02% tương ứng thu 10.000 đồng mới có lãi 2 đồng. Dĩ nhiên, lãi mỏng đồng nghĩa với việc độ lớn trên hóa đơn thuế của doanh nghiệp cũng "xẹp" xuống đáng kể.

Cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty Thành Trung cán ngưỡng 926,4 tỷ đồng, trong đó, hình thành từ 250,6 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. 675,7 tỷ đồng nợ phải trả đang cao gấp 2,7 lần vốn tự có của nhà thầu, bao gồm khoản vay tín dụng ngắn hạn 292,8 tỷ đồng, và 9,5 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Được biết, một số nhà băng thường xuyên cấp tín dụng cho doanh nghiệp là Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Ninh Bình, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tam Điệp, Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease - Chi nhánh Hà Nội... với tài sản bảo đảm là các loại xe phục vụ cho hoạt động thi công xây lắp, như xe lu rung, xe tải, máy đào, máy ủi...

Ít ai biết rằng, ông Lê Anh Tú và doanh nhân Nguyễn Văn Trường - nhà sáng lập Xuân Trường Group còn là những cộng sự lâu năm. Tháng 3/2022, Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường - Công ty Thành Trung đã trúng gói thầu thi công công trình với giá 735,3 tỷ đồng tại sân nhà Ninh Bình. Gói thầu nằm trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình có tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Theo kế hoạch, công trình này sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Ngoài ra, ông Lê Anh Tú từng góp vốn cùng với ông chủ dự án Chùa Bái Đính nức tiếng tại quần thể danh thắng Tràng An, lập pháp nhân có tên Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Xuân Trường với phạm vị hoạt động trọng tâm ở huyện Nghi Sơn, Thanh Hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tới nay đã ngừng hoạt động.

Hoa Đông

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-xay-dung-thuong-mai-thanh-trung-vuon-xa-tu-ninh-binh-toi-an-giang-324995.html