Công việc mệt mỏi kéo dài, còn sức đâu làm cha mẹ
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi mỗi ngày nai lưng làm việc 9-10 tiếng nơi văn phòng, về nhà phải tiếp tục làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái.
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường cho rằng kiệt sức trong công việc hay ở nhà suy cho cùng cũng giống nhau.
Bởi một khi mệt mỏi ở công ty bạn sẽ không thể vui vẻ khi về nhà, còn nếu chán nản với chuyện gia đình, cuộc sống, bao gồm cả công việc, đều đảo lộn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng sự kiệt sức tại nơi làm việc và ở nhà giống nhau về biểu hiện nhưng lại là 2 hiện tượng hoàn toàn khác nhau.
TS Isabelle Roskam, giáo sư tâm lý học tại ĐH Catholique de Louvain (Bỉ), chuyên nghiên cứu về sự kiệt sức, cho rằng phụ huynh có thể tách khỏi những đứa con ngang bướng để làm việc tốt hơn. Và ngược lại, dù rất căng thẳng, muốn nổ tung ở văn phòng, về nhà, cha mẹ vẫn có thể vui vẻ với con cái.
Tuy nhiên, những điều này chỉ xảy ra khi mọi người biết nắm bắt và giải quyết nhanh chóng vấn đề mình đang gặp phải.
New York Times đã phỏng vấn nhà tâm lý học lâm sàng và học giả nghiên cứu về sự kiệt sức để đưa ra những lời khuyên giúp phát hiện và chữa trị kịp thời 2 loại kiệt sức mà đa số đều trải qua trong cuộc sống.
Không muốn thức dậy vào buổi sáng
Trong nghiên cứu của mình, TS Roskam và Moïra Mikolajczak, giáo sư tâm lý học tại ĐH Catholique de Louvain, đã phát hiện ra rằng thời gian mọi người làm việc không ảnh hưởng đến tâm trạng của họ khi ở nhà, nhưng mức độ linh hoạt của công việc mới là vấn đề.
Kiệt sức không đột nhiên đến chỉ sau một đêm mà là cả một quá trình. Các bậc phụ huynh cần dựa vào 4 biểu hiện sau đây để biết mình có đang thực sự kiệt quệ với con cái ở nhà hay không:
Không muốn thức dậy: Nhiều người nói rằng chỉ cần nghĩ về những gì họ phải làm cho con cái là đã đủ mệt. Họ không có năng lượng và thậm chí không muốn thức dậy vào mỗi buổi sáng.
Thờ ơ với con trẻ: Cha mẹ không còn mặn mà với việc chăm sóc, giáo dục con cái. Họ thậm chí không muốn thể hiện sự yêu thương với con mình.
Không còn muốn làm cha mẹ: Nhiều người từ bỏ nhiệm vụ nuôi dạy con và ước mình có thể quay lại giai đoạn chưa lập gia đình.
Thay đổi hành vi: Kiệt sức khiến những ông bố bà mẹ dần thay đổi thái độ, hành động với con cái.
Chán ghét công việc
TS Michael Leiter, giáo sư tâm lý học tại ĐH Deakin (Australia), đã nghiên cứu về sự kiệt sức tại nơi làm việc và cách giải quyết vấn đề này trong hơn 2 thập niên.
Ông Leiter nói rằng ngay cả trong giai đoạn hạnh phúc nhất, mọi người vẫn tiêu tốn nhiều năng lượng cho công việc và cần không gian, thời gian phục hồi ngay sau đó.
"Nhưng nếu cuộc sống của bạn bên ngoài công việc quá hỗn loạn, ví dụ như phải chăm sóc trẻ em hoặc di chuyển 2 giờ mỗi chiều để về nhà..., bạn gần như không có thời gian để lấy lại phần năng lượng đã mất", TS Leiter nói.
Theo ông Leiter, chỉ cần có 1 trong 3 biểu hiện sau đây, bạn được xem là đang kiệt sức vì công việc:
Mệt mỏi vì công việc: Đây là cảm giác kiệt sức dai dẳng, bác sĩ Leiter giải thích, không chỉ là cảm giác thoáng qua vài lần một tuần.
Cảm thấy làm việc kém hiệu quả: Bạn cảm thấy tồi tệ vì không làm tốt công việc được giao, thậm chí cảm thấy không còn phù hợp với vị trí hiện tại.
Chán ghét công việc: Không còn tận hưởng hay hứng thú với bất kỳ nhiệm vụ, công việc nào nữa.
Chia sẻ việc nhà với vợ/ chồng
TS Inger Burnett-Zeigler, nhà tâm lý học lâm sàng và trợ lý giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại ĐH Northwestern (Mỹ) thường hỏi các khách hàng của mình rằng: "Bạn có đang ôm đồm hết mọi việc không?".
Rõ ràng bạn không thể lờ đi những bữa ăn gia đình nhưng cũng không nhất thiết phải vừa rửa bát vừa tự chế trang phục Halloween cho con.
"Nếu không thể chuẩn bị tất cả món ăn hãy dành cho bản thân khoảng 20 phút ngồi thư giãn hoặc đọc sách. Đó mới là cách sử dụng thời gian hiệu quả", TS Burnett-Zeigler nói.
TS Roskam và Mikolajczak lưu ý sự kiệt sức của cha mẹ luôn tiềm ẩn những rủi ro cho chính họ và con cái.
Nếu quá mệt mỏi và không thể đưa đón con đi học, bạn có thể nhờ cậy người khác, có thể một phụ huynh đáng tin hoặc chính người bạn đời của mình.
Không trả lời email sau 7h tối
Mệt mỏi, kiệt sức trong công việc lâu ngày sẽ biến bạn thành những ông bố bà mẹ tồi.
“Nếu quá mệt mỏi bạn không thể kết nối với những người khác. Cuộc sống gia đình của bạn cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng", TS Leiter nói.
Còn theo TS Burnett-Zeigler, kiệt sức trong công việc thậm chí gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như đau đầu, căng thẳng, khó tiêu hoặc khó ngủ.
Một trong những giải pháp để giảm bớt căng thẳng đó là tách rời công việc và cuộc sống gia đình. "Sẽ tốt hơn cho tâm trí của bạn khi tập trung làm một việc ở một thời điểm", TS Leiter nói.
Hầu hết đều cảm thấy áp lực khi phải làm việc qua email 24/7. Vì vậy, một số đã nói rõ với đồng nghiệp và khách hàng của họ rằng sẽ không trả lời email, điện thoại vào một số khung giờ nhất định buổi tối hay cuối tuần, trừ trường hợp khẩn cấp.
Biên kịch, nhà sản xuất phim Shonda Rhimes nổi tiếng với việc không trả lời email sau 7h tối và những ngày cuối tuần.
Trong phần ký tên cuối email, nữ biên kịch ghi rõ: "Tôi không trả lời các cuộc gọi hoặc email sau 7h tối hoặc cuối tuần và nếu bạn làm việc cho tôi, tôi có thể đề nghị bạn để điện thoại xuống".
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cong-viec-met-moi-keo-dai-con-suc-dau-lam-cha-me-post1008902.html