Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh bị xâm hại

Danh thắng Ba Làng An, nơi các chuyên gia quốc tế đánh giá là bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi trên thế giới - đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Ngày 14/7, huyện Bình Sơn gửi văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi về kết quả xử lý tình trạng người dân tự ý đào bới, xây dựng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ ven biển và di tích thắng cảnh Ba Làng An ở xã Bình Châu.

Bạt đồi, đổ bê tông ở vùng lõi di tích

Trao đổi với Zing, ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết các việc xâm hại diễn ra từ tháng 6/2019. Ông Nguyễn Hữu Phúc (41 tuổi, ngụ xã Bình Châu) đã đào bới, san ủi hơn 1.500 m2 đất rừng phòng hộ ven biển và xây dựng trái phép công trình kè bê tông, cốt thép dài hơn 52 m, cao 2 m và nhiều hạng mục nhà hàng tại danh thắng Ba Làng An.

"Chúng tôi từng xử phạt ông Phúc 15 triệu đồng, buộc khôi phục, hoàn trả hiện trạng đất đai ban đầu. Tuy nhiên đến đầu năm nay, ông Phúc và ông Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Dưỡng tiếp tục đào bới, xây dựng trong khu vực đất rừng phòng hộ ven biển và thắng cảnh Ba Làng An", ông Khiêm nói.

Hiện huyện Bình Sơn đã quyết định tạm đình chỉ xây dựng các hạng mục công trình ở danh thắng Ba Làng An và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hộ dân vi phạm.

 Người dân bạt đồi, xâm phạm danh thắng Ba Làng An. Ảnh: Minh Hoàng.

Người dân bạt đồi, xâm phạm danh thắng Ba Làng An. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo ghi nhận của Zing, một số hộ dân đã bạt núi, san lấp khu vực gành Đỏ gây bồi lấp bãi đá trầm tích núi lửa có niên đại hàng triệu năm ở mép biển. Còn phía hải đăng Ba Làng An, đồi núi cũng bị tàn phá tan hoang.

Người dân địa phương phản ánh quá trình bạt đồi, san ủi rừng phòng hộ, xây nhà hàng trái phép ở danh thắng Ba Làng An diễn ra nhiều tháng qua nhưng không thấy cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Bình Châu cho rằng một số hộ dân đã lợi dụng ngày thứ bảy, chủ nhật, vào ban đêm và thời gian chính quyền tập trung chống dịch Covid-19 để lén lút thi công. Địa phương đã yêu cầu các hộ dân ngừng mọi việc thi công.

 Người dân đổ bê tông gầnkhu vực bãi đá trầm tích núi lửa. Ảnh: Minh Hoàng.

Người dân đổ bê tông gầnkhu vực bãi đá trầm tích núi lửa. Ảnh: Minh Hoàng.

Nguy cơ phá sản công viên địa chất

Quảng Ngãi đang trình hồ sơ kiến nghị UNESCO công nhận công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh là công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc danh thắng Ba Làng An - khu vực được xem là vùng lõi công viên địa chất này bị xâm hại nghiêm trọng - sẽ làm "mất điểm" khi UNESCO xem xét, công nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản, cho biết hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn và Ba Làng An xảy ra vào hai đợt chính, cách đây khoảng 10-11 triệu năm và gần nhất khoảng vài nghìn đến 1 triệu năm.

"Đây có thể xem là viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi thế giới. Ba Làng An là một trong những vùng lõi đặc biệt quan trọng của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Tuy nhiên, danh thắng này đang bị xâm hại nghiêm trọng, dễ gây bất lợi cho quá trình kiến nghị UNESCO xem xét, công nhận công viên địa chất toàn cầu", ông Hoàng lo lắng.

Quá trình khảo sát, các chuyên gia địa chất phân tích miệng núi lửa cổ ở vùng biển Ba Làng An rộng khoảng 30 m. Ở đây, hệ địa hình sinh thái trải rộng ra khu vực xung quanh với nhiều bãi đất bazan, cột đá balad.

Ngoài ra ở khu vực này còn có những miệng núi lửa chìm dưới nước. Quá trình phong hóa của nước biển và gió biến, những viên đá núi lửa thành hòn cuội. Khắp Việt Nam, chỉ có ở Ba Làng An và một vùng biển ở tỉnh Bình Thuận có hiện tượng hòn cuội này.

 Dấu tích miệng núi lửa cỏ sát bên bờ biển ở danh thắng Ba Làng An. Ảnh: Minh Hoàng.

Dấu tích miệng núi lửa cỏ sát bên bờ biển ở danh thắng Ba Làng An. Ảnh: Minh Hoàng.

 Danh thắng Ba Làng An (mũi tên đỏ) ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Google Maps.

Danh thắng Ba Làng An (mũi tên đỏ) ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Google Maps.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-vien-dia-chat-ly-son-sa-huynh-bi-xam-hai-post1106610.html