Công viên mở - tại sao không?
Hiện nay, việc thu phí vào cửa Công viên Thống Nhất thực hiện theo Quyết định số 1467 ngày 20/10/2008 của UBND thành phố.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND thành phố dừng bán vé vào Công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023 với lý do doanh thu không đủ chi cho nhân viên bán vé.
Hiện nay, việc thu phí vào cửa Công viên Thống Nhất thực hiện theo Quyết định số 1467 ngày 20/10/2008 của UBND thành phố. Trong đó, mức phí với trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn là 4.000 đồng/lượt. Số tiền thu được mỗi năm khoảng 700 triệu đồng.
Cụ thể, năm 2019 là gần 700 triệu đồng, năm 2020 là trên 500 triệu đồng, năm 2021 là hơn 300 triệu đồng và 10 tháng năm 2022 là 630 triệu đồng nhưng số tiền trả lương cho các nhân viên bán vé đã là gần 110 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc thu không đủ chi, việc bán vé vào cổng công viên cũng được cho là không hợp lý bởi chỉ “thu phí quần dài, miễn phí quần đùi” - tức những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà đi qua cổng không phải mua vé. Còn với học sinh, sinh viên, người đi làm mặc quần áo chỉnh tề thì bị thu vé...
Thực tế, đã có nhiều ý kiến kiến nghị bỏ bán vé vào công viên này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới chuẩn bị được thực hiện - bởi vẫn còn phải đợi UBND thành phố quyết định. Dù chưa biết có bỏ hay không nhưng trước thông tin này rất nhiều ý kiến đồng tình.
Như một vị nguyên là lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng Công viên Thống Nhất ngoài việc mang dấu ấn của văn hóa, quá trình phát triển, là không gian xanh công cộng còn là nơi cộng đồng dân cư nâng cao chất lượng sống. Việc xây dựng thành công viên mở là cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Mở ở đây không có nghĩa là bỏ hàng rào, không thu vé, mọi người có nhu cầu đều có thể tiếp cận.
Ý kiến khác cũng cho rằng, bản chất công viên là không gian công cộng, mọi người đều có thể tiếp cận. Ở các nước trên thế giới, công viên không có tường rào. Nên cải tạo Công viên Thống Nhất không chỉ đơn thuần là bỏ hệ thống tường rào mà cần tính toán để công viên trở nên thân thiện hơn, là điểm đến an toàn, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là không gian sáng tạo.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có một vài ý kiến lo ngại rằng, khi trở thành công viên mở sẽ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, hoặc ảnh hưởng đến cảnh quan, hệ thống sinh thái... Thế nhưng, đây có lẽ chỉ là “lo xa” bởi thời gian qua, dù thu vé vào cửa, có tới hàng trăm cán bộ, nhân viên thực hiện duy tu, bảo vệ, hạ tầng kỹ thuật... nhưng vẫn chưa thực sự là điểm đến thân thiện. Do đó, chuyển Công viên Thống Nhất sang hình thức công viên mở là cần thiết...
Hà Nội thiếu công viên, khu vui chơi công cộng đã được đề cập từ lâu và nhiều lần nên việc UBND TP Hà Nội có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025 được người dân đặc biệt quan tâm và đồng tình.
Dù vậy, điều quan trọng vẫn là mô hình hoạt động của các công viên này như thế nào? Liệu có thực hiện được như ý kiến của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị diễn ra hồi giữa tháng 10 vừa qua là năm 2023 phải làm sống lại các công viên.
Rằng thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng? Hay để người dân, thêm một lần được chiêm nghiệm thực tế, giữa lời nói và hành động luôn có khoảng cách?
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cong-vien-mo-tai-sao-khong-post618052.html