Công viên Thống Nhất: Biểu tượng lịch sử của khát vọng giải phóng miền Nam
Công viên Thống Nhất, biểu tượng sống động của khát vọng thống nhất đất nước, càng trở nên thiêng liêng trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, gợi nhớ những ký ức lịch sử sâu sắc.

Công viên Thống Nhất được khánh thành ngày 30/5/1961, trong bối cảnh đất nước vẫn còn chia cắt, 14 năm trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Việc đặt tên "Thống Nhất" cho công trình không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về khát vọng sớm sum họp hai miền đất nước.

Thời điểm đó, chính quyền Hà Nội quyết định cải tạo một khu vực đầm lầy, bãi rác hoang sơ thành khu vui chơi giải trí có quy mô lớn nhất thủ đô với diện tích hơn 50 ha, nằm giữa bốn tuyến phố lớn: Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu.

Ngay từ những ngày đầu khởi công, hàng vạn người dân Hà Nội đã hưởng ứng phong trào lao động xã hội chủ nghĩa: Tự nguyện dọn rác, san đất, đắp gò, trồng cây, cùng nhau kiến tạo không gian xanh đáng tự hào giữa lòng đô thị.

Tinh thần đoàn kết và tự lực ấy đã thổi hồn vào từng lối đi, tán cây của công viên, biến nơi đây thành điểm vui chơi giải trí và là chứng nhân sống động của một thời kỳ lịch sử đầy khát vọng, niềm tin vào ngày đất nước thống nhất.

Công viên không chỉ là "lá phổi xanh" giữa lòng thành phố, mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn sâu đậm của ký ức tập thể. Những hàng liễu mềm mại rủ bóng bên hồ, những tán thông xanh rì rào trong gió, cùng các khu vui chơi như: Quán Gió, Nhà Cười, đu quay, tàu hỏa… đều là một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ 5x, 6x, 7x.

Đây cũng là nơi không ít thanh niên Thủ đô từng lưu giữ những khoảnh khắc chụp ảnh kỷ niệm trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, nơi học sinh, sinh viên yên tĩnh ôn thi suốt các thập niên 1960, 1970, 1980.

Bà Trần Thị Thủy (65 tuổi, quận Hai Bà Trưng), một người dân thường xuyên tập thể dục tại công viên chia sẻ: "Sáng nào tôi cũng dậy sớm, đi bộ mấy vòng rồi ngồi nghỉ một lúc bên hồ. Đó là thói quen của mấy chục năm nay. Mọi thứ ở đây cứ thân thuộc như một phần cuộc sống của mình. Tôi chỉ mong công viên ngày càng xanh tươi, đẹp hơn, nhưng vẫn giữ được sự bình yên, tĩnh lặng như bao lâu nay".

Bao quanh hồ Bảy Mẫu rộng 25ha, công viên sở hữu hai hòn đảo nhỏ: Hòa Bình và Thống Nhất. Mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng, yên bình và ý nghĩa.

Đi vào công viên từ cổng phía đường Lê Duẩn (đường Nam Bộ trước đây) qua một cây cầu xây cong là đến đảo Thống Nhất. Đảo có diện tích trên 6.000m2, được bao quanh bằng nhiều loại cây xanh và thảm cỏ, tươi mát bốn mùa. Cầu vào đảo cũng được gọi tên Thống Nhất.

Trên đảo có tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn - món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM gửi tặng nhân dân Thủ đô nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), thể hiện tình cảm gắn kết keo sơn giữa hai miền đất nước.

Một dấu ấn không thể không nhắc đến là cây đa Bác Hồ nằm ngay cạnh bán đảo dừa. Từ ngoài phố Đại Cồ Việt nhìn vào đã thấy bóng đa um tùm một góc công viên, có lát gạch theo lối đi quanh và xây bờ đá cao hình tròn bao lấy thân cây.

Cây đa do chính tay Bác Hồ trồng năm Canh Tý 1960 nhân dịp Người phát động Tết trồng cây lần đầu tiên. Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, cây đa ấy vẫn vững chãi, xanh tốt như một biểu tượng thiêng liêng. Mỗi độ xuân về, người dân Thủ đô lại đến đây, thành kính tưởng nhớ Người và tiếp nối truyền thống "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, năm 1980, công viên từng được đổi tên thành Công viên Lê Nin. Tuy nhiên, đến năm 2003, tên gọi "Thống Nhất" chính thức được khôi phục. Việc phục hồi tên cũ không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà còn là lời khẳng định giá trị lịch sử và bản sắc không thể thay thế của công viên trong tâm thức người Hà Nội.

Ngày nay, Công viên Thống Nhất đang được tôn tạo, vừa bảo tồn những công trình, khu vui chơi gắn bó với ký ức nhiều thế hệ, vừa bổ sung những yếu tố hiện đại, hấp dẫn, phù hợp diện mạo Thủ đô thời kỳ phát triển mới.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, tại mặt phía Đông công viên, dự án "Cải tạo, chỉnh trang hè phố Lê Duẩn, cổng và hàng rào Công viên Thống Nhất" đang bước vào giai đoạn nước rút. Với tổng mức đầu tư gần 14,6 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng gần 12 tỷ đồng), dự án nhằm làm đẹp cảnh quan, đồng thời góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường và tăng khả năng tiếp cận cho người dân.

Theo ghi nhận tại hiện trường ngày 22/4, phần lớn hạng mục cơ bản hoàn thành sau hơn một tháng thi công thần tốc. Các đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, hướng tới mục tiêu hoàn thiện trước ngày 30/4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự án cũng là bước đi quan trọng nhằm kết nối công viên với không gian đi bộ quanh hồ Thiền Quang và các khu vực phụ cận.

Bà Nguyễn Thị Lựu (72 tuổi, phường Nguyễn Du) dừng chân nghỉ bên ghế đá, cho biết: "Nhiều năm rồi, tôi mới thấy công viên được sửa sang gọn gàng thế này. Vừa đi vừa nhớ hồi trẻ đạp xe vào đây chơi, cây còn nhỏ, đường còn lổn nhổn đá. Giờ thì khác nhiều rồi, nhưng cảm giác thân quen vẫn còn nguyên".

Từ công viên "của nhân dân" do chính tay nhân dân kiến tạo, đến biểu tượng của hòa bình, đoàn kết và thống nhất, Công viên Thống Nhất hôm nay tiếp tục hành trình trở thành không gian sống động của ký ức và tương lai. Đây là nơi để mỗi người Hà Nội, từ cụ già đến em nhỏ, đều có thể cảm nhận rằng: Khát vọng thống nhất không chỉ là lịch sử, mà còn là giá trị sống mãi trong từng hàng cây, thảm cỏ, từng bước chân dạo chơi mỗi ngày.