Nam Định có nhiều tên rất ý nghĩa, không nhất thiết phải đánh số thứ tự xã, phường
Đề án đặt tên xã, phường bằng cách đánh số thứ tự của tỉnh Nam Định như Nam Định 1, Vụ Bản 2, Hải Hậu 3, Ý Yên 4, Trực Ninh 5, Giao Thủy 6…đã và đang gây tiếc nuối cho nhiều người dân Nam Định bởi vùng đất này vốn nổi tiếng về truyền thống văn hiến, có chiều sâu lịch sử, văn hóa...
Như VOV.VN đã đưa tin, theo Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Nam Định năm 2025 ban hành ngày 21/4/2025 thì tên xã, phường của tỉnh Nam Định sẽ được đánh số thứ tự theo tên gọi của huyện, thành phố trước khi sáp nhập. Ví dụ: Thành phố Nam Định sẽ chia thành các phường từ Nam Định 1 đến Nam Định 8, huyện Vụ Bản sẽ chia thành các xã từ Vụ Bản 1 đến Vụ Bản 4, huyện Trực Ninh sẽ chia thành các xã từ Trực Ninh 1 đến Trực Ninh 7, huyện Hải Hậu sẽ chia thành 8 xã từ Hải Hậu 1 đến Hải Hậu 8...Đề án này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân Nam Định trên các nền tảng mạng xã hội.
Nên chú ý đến lịch sử cha ông để lại khi đặt tên xã, phường
Trên Fanpage "Nam Định đất và người", tài khoản có tên Phan Hong Nhung viết: "Mang thai sinh con 9 tháng 10 ngày, cha mẹ nào cũng trăn trở một cái tên thật là ý nghĩa, mong chờ điều tốt đẹp. Tôi cứ nhớ mãi tuổi thơ ấu mẹ tôi kể không biết bao nhiêu lần về việc đặt tên cho tôi, nghe mãi nhưng cứ thi thoảng lại đòi kể lại.
Cái tên làng, tên xã cũng vì những mẩu chuyện mà nên hình hài. Cái tên ấy truyền qua nhiều thế hệ, những giai thoại mang theo màu sắc, cảm xúc, âm thanh, sự nối tiếp của đời trước…khiến người ta thấy cảm xúc, thi vị một cách tự nhiên.
Hai mươi năm nữa, lũ trẻ lớn lên sẽ quen dần với cách gọi tên gắn số, sẽ quên lãng những cái tên và những câu chuyện. Chỉ có thế hệ 7X, 8X thở dài vì rất khó và rất không muốn quên đi những cái tên in đậm trong trí nhớ và cảm xúc của mình.

Đền Trần Nam Định. Ảnh: Trần Hồng
Giải pháp gắn tên số cho phường xã quá là tiện cho xã hội hiện đại. Thống kê nhanh, quản lý dễ, 1 cú nhấp chuột trong 1 phút là ra Nam Định 1 - Nam Định 8, Ý Yên 1 - Ý Yên 6, Vụ Bản 1 - Vụ Bản 5…Khỏi phải lo chọn tên người có công với đất nước ra sao, cội nguồn sâu xa cái tên ra đời thế nào, an toàn trước sự tranh luận của nhân dân".
Tài khoản Nguyễn Quang Liên cho rằng: “Chúng ta nên chú ý đến lịch sử của cha ông để lại, những dấu ấn di sản, văn hóa mà xưa nay dẫu có một tên khác, người ta vẫn thầm nhớ. Nếu gọi lại được bằng tên phường, tên xã thì hãy nên gọi, thay vì lấy tên thành phố hay quận, huyện rồi gắn số phía sau. Việc gắn số cũng chẳng sao cả, cũng có dấu tích còn lại của một thành phố hay quận, huyện. Thế rồi gọi mãi cũng thành quen thôi, nhưng nếu có phương án khác hay hơn, tôn trọng hơn, tại sao không gọi? Tên phường, xã không chỉ là tên, không phải là để lâu thành quen, mà tên còn là văn hóa, còn là những gì rất sâu trong đất và người. Mỗi cái tên, là một danh xưng của không gian và thời gian, của nhân sinh và di sản.
Thành phố Nam Định có thể đặt theo các tên như: Nam Định, Thành Nam, Thiên Trường, Đông A, Trường Thi, Trần Hưng Đạo, Vị Xuyên, Trường Chinh, Trần Tế Xương...hay và ý nghĩa. Vẫn còn kịp để bỏ cách gọi kèm theo số, nếu biết cầu thị, lắng nghe hơn và hiểu sâu hơn một chút về kiến thức lịch sử văn hóa. Bởi tên gọi cho đất mà theo những con số vô cảm, thiếu đi niềm tự hào, thiếu đi cảm xúc văn hóa và sự kích thích tình yêu quê hương trong đó sẽ là một thất bại của quản lý".
Tài khoản Tuấn Vũ nêu ý kiến: "Cách đặt tên cho các phường, xã ở Nam Định là một cách làm máy móc, vô cảm. Một cách làm thiếu suy nghĩ chiều sâu, làm cho xong chuyện sắp xếp phường xã để báo cáo cấp trên. Tôi mong các nhà lãnh đạo Nam Định hãy tiếp thu và kịp thời thay đổi tên gọi khi Quốc hội chưa chính thức quyết định".
Đồng quan điểm, tài khoản Trần Hồng viết: "Giờ là lúc đòi hỏi cán bộ địa phương cần tìm hiểu sâu, kỹ về lịch sử vùng đất quê mình để tìm ra một cái tên vừa hợp lòng dân, vừa nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về vùng đất quê mình! Việc đặt tên theo số thứ tự cho thấy sự lười nhác trong suy nghĩ và nghiên cứu sâu xa về lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương! Mong là chính quyền sẽ sớm họp bàn, thảo luận lại để tìm ra một cái tên ý nghĩa nhất cho mỗi xã, phường mới!".
Không nên xem nhẹ việc đặt tên xã, phường
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nam Định bày tỏ: "Việc đặt tên phường kiểu “phường 1”, “phường 2”, “phường 3”… nghe qua có vẻ thuận tiện cho việc quản lý, cho công tác số hóa dữ liệu, nhưng thực chất, đó là cách làm máy móc, phi văn hóa. Những cái tên như vậy hoàn toàn không hàm chứa bất kỳ ý nghĩa lịch sử hay giá trị truyền thống nào. Nó đơn thuần là công cụ hành chính, không khơi gợi cảm xúc, không tạo được sự gắn bó của người dân với mảnh đất mình đang sống.
Tôi không phủ nhận việc số hóa là cần thiết. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, công nghệ là công cụ phục vụ con người và cuộc sống, chứ không phải bắt con người, bắt văn hóa phải phục vụ công nghệ. Nếu vì tiện quản lý mà xóa bỏ những tên gọi mang giá trị lịch sử, thì đó là điều vô cùng đáng tiếc".
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Nam Định nhấn mạnh: “Tên làng, tên xã với người Việt ta là thứ linh thiêng. Bao thế hệ đã hy sinh, gìn giữ và xây đắp mảnh đất này, vì vậy, việc đặt tên là không thể xem nhẹ”.

Sân vận động Thiên Trường, Nam Định - Ảnh: Trần Hồng
Nam Định là vùng đất giàu truyền thống. Nơi đây từng là Thiên Trường xưa, đất phát tích của nhà Trần. Những cái tên như Tức Mặc, Vị Hoàng, Năng Tĩnh… không chỉ là địa danh, mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn với biết bao câu chuyện, nhân vật lịch sử và đóng góp cho đất nước. Đó là ký ức, là linh hồn của mảnh đất này. Theo ông Nguyễn Văn Thư, khi đặt tên cho bất kỳ địa phương nào, đặc biệt là những nơi giàu bề dày lịch sử như Nam Định, cần phải dựa trên những giá trị văn hóa, lịch sử sẵn có. Đó là sự tôn trọng quá khứ, là cách gìn giữ bản sắc và cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ. Đừng vì sự thuận tiện nhất thời của công nghệ mà đánh mất những giá trị lâu bền của lịch sử và văn hóa dân tộc.
“Tên địa danh không chỉ đơn thuần là một ký hiệu để phân biệt hành chính. Nó là nơi kết tinh những giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Mỗi người khi sinh ra và lớn lên ở đâu đó, đều có quyền tự hào về quê hương mình. Cái tên của làng xã, phường thị chính là một phần quan trọng trong niềm tự hào ấy. Khi nghe đến cái tên quê nhà, người ta có thể nhớ về cội nguồn, về truyền thống, về những giá trị được gìn giữ qua bao thế hệ”, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định nêu quan điểm.